Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 12/04/2019
Ngày cập nhật:
15/4/2019
Nhận thấy chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, UBND xã Bình Thạnh (huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã thành lập vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Từ đây, dần xóa bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Công Khanh ở khu vực chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Yên
Xã Bình Thạnh vốn là vùng trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn huyện, có số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn, nhất là heo, gà với số lượng hàng chục nghìn con mang lại giá trị kinh tế tương đối cao hàng năm. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi ở đây làm nảy sinh nhiều vấn đề đó là: Chất thải không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng tới phần lớn đời sống của dân cư. Thói quen lâu đời này thật sự khó thay đổi trong suy nghĩ của người dân, bởi vậy việc thực hiện di dời trang trại, gia trại ra xa khu dân cư những năm trước thật sự khó khăn đối với chính quyền địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, cách đây gần chục năm, xã Bình Thạnh đã ban hành nghị quyết về chăn nuôi tập trung, trong đó chọn giải pháp triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư để bảo vệ môi trường và tích cực triển khai cho đến nay. Qua đó, xã Bình Thạnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi rộng 200 ha ở thôn Thanh Bình 1. Đây vốn là vùng đất của nông trường cà phê cũ, vốn ít khu dân cư, gần đường giao thông nên rất thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Để Nhân dân nắm bắt được chủ trương của xã, trong các cuộc họp thôn, xã liên tục tuyên truyền về việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung để mọi người biết và đăng ký tham gia. Các hộ đăng ký tham gia di dời chuồng trại, gia trại vào khu chăn nuôi tập trung đều được tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục, vay vốn. Đồng thời UBND xã cũng đã tổ chức cho một số hộ chăn nuôi tham quan, học hỏi các mô hình tiêu biểu trong và ngoài huyện.
Đến nay, hiệu quả về mặt kinh tế của vùng chăn nuôi tập trung của xã đã được khẳng định thông qua việc phát triển chăn nuôi mà nhiều hộ gia đình đã giàu lên thấy rõ. Hiện tại, trong vùng chăn nuôi tập trung của xã có tới 20 trang trại lớn với quy mô hàng nghìn con gà, heo được nuôi mỗi năm.
Anh Mai Minh Trung - một trong các gia hộ dời chuồng trại vào vùng chăn nuôi tập trung cho biết, sau khi vào khu chăn nuôi tập trung đã có thêm điều kiện mở mang chuồng trại, tăng đàn vật nuôi và bước đầu tạo được quy mô đàn lớn mang lại hiệu quả kinh tế hơn trước. Anh Trung cho biết thêm, tiền thân gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, sau một thời gian chăn nuôi, tôi nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không còn hiệu quả nữa, nếu mở rộng quy mô sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng mùi hôi vẫn không giảm. Hàng xóm liên tục có nhiều ý kiến. Quỹ đất hạn hẹp nên muốn xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi cũng khó. Vì vậy, khi xã có chủ trương xây dựng khu chuyển đổi chăn nuôi cách xa khu dân cư, tôi đã đăng ký tham gia mua đất lập trang trại. “Hiện nay, quy mô đàn heo của tôi lên đến 1.600 con. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng đang xảy ra trên địa bàn huyện, tỉnh nhưng trang trại của tôi vẫn đảm bảo an toàn. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn heo để nâng cao thu nhập” - anh Trung nói.
Cũng như anh Trung, từ năm 2013, ông Nguyễn Công Khanh đã mạnh dạn đăng ký mô hình chăn nuôi gà trang trại lạnh và chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung để làm ăn thuận lợi, nhất là không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Với diện tích 5 ha đất, ông đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi hơn 100 ngàn con gà, các khâu chăn nuôi đều theo quy trình tự động, mỗi ngày cho ra hơn 5 tấn trứng sạch và an toàn, không những đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn góp phần giải quyết cho 25 lao động người địa phương.
Ông Đỗ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Trong các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, xã luôn khẳng định chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng Bình Thạnh trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Từ khi thành lập vùng chăn nuôi tập trung, việc ô nhiễm do chăn nuôi trong khu dân cư hầu như không còn, trong khi đó hiệu quả kinh tế tăng lên thấy rõ. Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân tham gia phát triển đàn gia súc, gia cầm quy mô tập trung theo hướng trang trại, gia trại tại khu vực vùng chăn nuôi tập trung của xã, nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
HOÀNG YÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.