• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc trong mùa nắng

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/04/2019
Ngày cập nhật: 15/4/2019

Người chăn nuôi chủ động tích trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Hiện nay thời tiết vào mùa nắng nóng, không khí oi bức khiến sức khỏe vật nuôi giảm sút nên dễ phát sinh dịch bệnh. Để giúp gia súc nâng cao sức đề kháng với các loại vi rút gây bệnh, các cơ quan chức năng, người chăn nuôi chủ động triển khai nhiều biện pháp.

Chủ động phòng ngừa

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, thời tiết đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao khiến cho gia súc uống nhiều nước, bỏ ăn nên sức khỏe suy giảm, sức đề kháng kém. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút tấn công gây bệnh. Trong khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh, bệnh lở mồm long móng (LMLM) cũng vừa mới qua khỏi nên nguy cơ tái phát dịch bệnh này cũng rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay.

Để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra, chi cục tập trung triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2019 cho đàn gia súc. Trong đợt này, gia súc sẽ được tiêm phòng các loại vắc xin LMLM, tụ huyết trùng... Đến nay, công tác tiêm phòng đã thực hiện gần xong, các địa phương đang tập trung tiêm vét trước khi kết thúc đợt tiêm lần này. Chi cục phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM trên 80% tổng đàn để đảm bảo kháng thể với dịch LMLM cho toàn bộ đàn gia súc.

Ông Trương Văn Bình, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tây Hòa, cho biết: Tính đến nay, địa phương đã tiêm được gần 12.000 liều vắc xin LMLM, đạt hơn 83% tổng đàn bò và hơn 6.200 liều vắc xin tụ huyết trùng, đạt khoảng 44%. Hiện nay, đơn vị tập trung tiêm vét tại xã Hòa Tân Tây và thị trấn Phú Thứ, dự kiến sang tuần sau sẽ kết thúc đợt tiêm phòng.

Ngoài tiêm phòng, hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã chỉ đạo các trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương tăng cường giám sát, kiểm soát đàn gia súc. Đặc biệt, các huyện vừa xảy ra LMLM như Phú Hòa, Đông Hòa phải giám sát chặt tình hình tại các ổ bệnh và khu vực xung quanh, tại các chợ mua bán động vật, các lò giết mổ gia súc trên địa bàn, đảm bảo phát hiện nhanh để xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh dịch.

Tích trữ thức ăn

Bên cạnh việc phòng ngừa dịch bệnh, việc tích trữ nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức trong mùa nắng nóng. Theo Sở NN-PTNT, nguồn thức ăn chính cung cấp cho trâu bò chính là cỏ, cây, rơm, rạ...

Tuy nhiên, hàng năm, khi vào mùa nắng thì nguồn cỏ tự nhiên vô cùng khan hiếm khiến nguồn thức ăn cho gia súc bị thiếu hụt. Vì vậy, để đảm bảo đủ thức ăn cung cấp cho vật nuôi, ngay từ đầu mùa nắng nóng, sở đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn bổ sung cho gia súc.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết: Bò là vật nuôi chủ lực của huyện. Toàn huyện có khoảng 18.000 con bò, được nuôi tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Trol, Ea Bia, Ea Bá, Sông Hinh... Bà con ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, nhiều năm gần đây, huyện Sông Hinh đã triển khai rất nhiều mô hình trồng cỏ nuôi bò để giúp bà con thay đổi thói quen.

Cùng với đó, nhiều lớp tập huấn ủ chua thân bắp, mè, sắn... cũng được triển khai đến với người dân để hướng dẫn bà con cách tích trữ thức ăn cho gia súc. Nhờ vậy đến nay, nhiều hộ dân đã thay đổi thói quen chăn nuôi gia súc, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào đồng cỏ tự nhiên như lúc trước.

Theo Mí Nga ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), đàn bò nhà mí hiện có 7 con, để có đủ thức ăn trong mùa khô này, nhà mí đã trồng hơn 1 sào cỏ, đồng thời vừa rồi mới thu hoạch 2ha mía nên gia đình mí thu gom tất cả phần đọt mía đem về tích trữ dành làm thức ăn cho bò.

Tại huyện miền núi Đồng Xuân, người dân cũng đang tập trung chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc. Ông Trần Quang Định ở xã Xuân Sơn Bắc, cho hay: Để giúp đàn bò bớt mất sức vào những ngày nắng nóng gay gắt, tôi không chăn thả ra đồng mà nhốt tại chuồng, cho ăn cỏ và rơm khô. Buổi trưa khi nhiệt độ tăng cao nhất tôi còn xịt nước lên mái và nền chuồng để làm dịu không khí.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, để bảo toàn đàn vật nuôi bà con phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin. Đồng thời, người chăn nuôi phải cung cấp đầy đủ thức ăn, không để gia súc bị thiếu đói, dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Thỉnh thoảng cũng nên bổ sung thêm các loại khoáng chất và vitamin để gia súc có sức đề kháng tốt nhất. Ngoài ra, công tác vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi phải được thực hiện thường xuyên theo khuyến cáo của ngành.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang