• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khăn gói đi học chăn nuôi, trở về quê làm giàu trên vùng đất khô cằn

Nguồn tin: VOV, 14/04/2019
Ngày cập nhật: 16/4/2019

Anh Nguyễn Thái Nhân, ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An hiện đang có mô hình nuôi thỏ, lợn rừng giống... thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Từ một thanh niên với hai bàn tay trắng, nhờ ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê mình, anh Nguyễn Thái Nhân, ở xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An hiện đã có trong tay một trang trại bề thế, nuôi hơn 1000 con thỏ, hơn 100 con lợn rừng giống mỗi năm hơn 400 triệu đồng tiền lãi. Anh là một điển hình thanh niên lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Nguyễn Thái Nhân, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Nghĩa Hòa, Thái Hòa, Nghệ An.

Vùng đất Đông Hòa của Thị xã Thái Hòa vốn được biết đến là vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi, nắng là hạn, mưa là lụt. Có năm, nước sông Hiếu dâng cao đã làm ngập trôi hơn nửa cơ nghiệp của nhiều hộ dân trong xã.

Sau khi cưới vợ, anh Nguyễn Thái Nhân cũng như bao chàng trai khác của vùng quê nghèo, rời khỏi quê hương tìm kế nuôi gia đình. Nhưng rồi chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Thế rồi, một ngày anh Nhân nghĩ, đất quê mình nghèo nhưng nhiều chỗ còn hoang hóa, bỏ không, nếu nắm bắt được kiến thức khoa học, kỹ thuật, chịu khó làm ăn thì sẽ có ngày biến những nhược điểm thành thế mạnh của vùng đất. Vì vậy, anh xin phép gia đình cất công ra Bắc học nghề làm vườn và chăn nuôi. Thấy anh quyết tâm, gia đình cũng không cản; địa phương cũng tạo điều kiện cho anh thầu khu đất hoang hoá lâu ngày để đầu tư con giống, cây trồng.

Ông Lê Gia Quang, Bí thư, Chủ tịch xã Nghĩa Hòa Thị xã Thái Hòa cho biết, hai vợ chồng mới xây dựng gia đình rất khó khăn, nhưng địa phương tạo điều kiện giúp đỡ ra ngoài khu vực đất hoang hóa khô cằn, đầu tư các mặt, con giống rồi cây trồng, đến thời điểm bây giờ cơ bản mô hình kinh tế của anh này phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập cho gia đình cũng như công ăn việc làm cho một số người dân trên địa phương.

Khi được chính quyền xã tạo điều kiện, anh khai khẩn vùng đất hoang hóa, khô cằn mà người dân địa phương không thể trồng bất cứ cây gì để có thu nhập. Anh vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi thỏ và lợn rừng. Giống thỏ anh chọn là giống Newzealand; đồng thời, ký hợp đồng với nhà máy chế biến thực phẩm đóng tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Trang trại nuôi hơn 1000 con thỏ của gia đình anh Nguyễn Thái Nhân.

Sau 2 năm chăm bẵm, miệt mài, nay anh đã có đầu ra ổn định, mỗi tháng xuất 1 lứa thỏ hơn 300 con, trừ chi phí, thu 50 triệu đồng trở lên. Mỗi năm riêng thỏ, anh lãi ròng 400 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn nuôi hơn 100 con lợn rừng giống; khách đặt mua thường xuyên, nhiều khi cháy hàng.

Anh cho biết, do đã học cách chăm nuôi lợn, xử lý chuồng trại kỹ lưỡng nên trang trại của anh ít khi bị dịch bệnh tấn công.

Trong câu chuyện về anh thanh niên có chí làm giàu ở miền Tây Xứ Nghệ, ông Lê Gia Quang, Bí thư, Chủ tịch xã Nghĩa Hòa cho biết, trang trại của anh Nguyễn Thái Nhân không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Ở Nghĩa Hòa, làm trang trại nuôi thỏ như thế này, mới chỉ một mình anh Nhân, còn ngành nghề khác có thêm 4 hộ thanh niên nữa; trong đó có hộ thành công nhờ nuôi bò sữa cung cấp nguyên liệu cho công ty sữa, có hộ phát triển trồng trọt, nhất là trồng cam, quít thu nhập khá. Điển hình như hộ gia đình anh Quang ở xóm 2, anh Hoài Huy, ở xóm Đông Hòa. Riêng anh Hoài Huy có hơn 11ha đất trồng cam quít, táo, ổi, chăn nuôi bò, trồng rau sạch; thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Để khuyến khích thanh niên làm giầu, ông Lê Gia Quang cho biết, địa phương luôn có kế hoạch mời chuyên gia về đào tạo bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng khoa học kĩ thuật, tìm giống cây, con phù hợp để sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, xã còn giúp liên hệ, quảng bá bao tiêu sản phẩm cho anh em.

Anh Nhân còn nuôi hơn 100 con lợn rừng cho thu nhập ổn định.

Đánh giá về phong trào thanh niên lập nghiệp, nhất là thanh niên nông thôn hiện nay, anh Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, thời gian vừa qua, thanh niên nông thôn ứng dụng rất là tốt các khoa học công nghệ vào sản xuất và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng để cung ứng ra thị trường.

Một số thanh niên nông thôn còn tạo ra được những sản phẩm khác biệt để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, nơi sinh ra của mình.

Từ những thanh niên có chí làm giàu như anh Nguyễn Thái Nhân, Nghệ An dần trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong phong trào thanh niên lập nghiệp phát triển kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 1.100 mô hình trang trại thanh niên có thu nhập bình quân mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Họ chính là những thanh niên góp phần đem lại đổi thay trên chính mảnh đất quê hương mình./.

Quốc Khánh/VOV1

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang