Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 19/04/2019
Ngày cập nhật:
21/4/2019
Thời gian gần đây, nghề nuôi ong lấy mật quy mô hộ gia đình phát triển mạnh trên địa bàn xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Loài ong được người dân lựa chọn là ong ruồi, sống hoang dại, hay làm tổ trong bụi cỏ hoặc dưới cành cây to trong tự nhiên được đem về nuôi, mật rất thơm, vị ngọt thanh, màu sắc vàng tươi, để lâu không đổi màu, chất lượng mật thuộc vào loại tốt nhất và khá hiếm trên thị trường. Đây cũng chính là sản phẩm được xã Cam Thủy lựa chọn xây dựng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế vùng miền, để tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Nghề nuôi ong lấy mật đang được chú trọng phát triển ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ
Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong xã Cam Thủy Hoàng Văn Quang cho biết: “Nghề nuôi ong ruồi lấy mật ở xã Cam Thủy phát triển từ năm 2013. Đến nay toàn xã có gần 400 đàn ong, bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng 300 lít mật, doanh thu khoảng 1,2- 1,5 tỉ đồng/tháng. Chu kì thu hoạch mật ong ruồi khoảng một tháng một lần, từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm, thời điểm có nhiều loài hoa nở. Hiện nay, Tổ hợp tác nuôi ong xã Cam Thủy có 25 thành viên, người nuôi ong nhiều nhất gần 100 đàn, còn lại mỗi thành viên nuôi vài đàn đến vài chục đàn. Đây là mô hình phát triển kinh tế phù hợp với lợi thế vùng gò đồi, mang lại hiệu quả cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu lấy mật nhanh, không đòi hỏi kĩ thuật phức tạp, thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân”.
Đặc điểm của nghề nuôi ong ở xã Cam Thủy là các đàn ong được nuôi thả theo cách hoàn toàn tự nhiên, người nuôi chỉ làm tổ cho ong và đến chu kì lấy mật, còn thức ăn ong tự kiếm trong vườn. Do đặc điểm ong nuôi theo cách tự nhiên nên chỉ phù hợp với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, không phát triển đại trà được vì thiếu thức ăn trong tự nhiên cho ong. Loài ong ruồi cho sản lượng mật/đàn ong ít, nhưng chất lượng mật rất tốt. Vì thế, sản phẩm mật ong Cam Thủy có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề đặt ra cho Tổ hợp tác nuôi ong xã Cam Thủy là tạo dựng vị thế, thương hiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm mật ong ra thị trường để nâng cao giá trị. Hiện người nuôi ong xã Cam Thủy đang bán mật ong ra thị trường theo các mối quen biết cá nhân, chưa qua kênh phân phối nào, chưa có kiểm định chất lượng và dán nhãn mác sản phẩm mật ong. Nếu được hỗ trợ tiêu chuẩn hóa chất lượng, đăng kí nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, thì nghề nuôi ong lấy mật sẽ là lợi thế mở ra hướng đi mới, tạo chuyển biến căn bản thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Lê Nhật Tiên cho biết: “Phát huy lợi thế nghề nuôi ong lấy mật trên vùng gò đồi, địa phương đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong ban đầu có 25 thành viên tham gia, nhằm liên kết trong việc chăm sóc, áp dụng kĩ thuật nuôi để duy trì và nâng cao quy mô, chất lượng sản phẩm mật ong. Thời gian tới, xã sẽ tiến đến các bước hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Cam Thủy, có chứng nhận của các cấp có thẩm quyền, đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP. Qua đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị, xây dựng nông thôn mới”.
Khánh Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.