Nguồn tin: Báo Thái Bình, 09/01/2019
Ngày cập nhật:
10/1/2019
Để bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, các địa phương trong huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã và đang thực hiện các giải pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Người dân xã Nguyên Xá (Vũ Thư) che bạt chống rét cho đàn gia súc.
Xã Bách Thuận có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất huyện Vũ Thư với trên 10.000 con. Do đó, địa phương đề cao công tác vệ sinh phòng dịch cũng như bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là vào dịp tết.
Ông Trịnh Xuân Mạnh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Địa phương đã tiếp nhận 30kg hóa chất của huyện, hoàn thành tiêu độc khử trùng đợt 2 và tiêm phòng cho tổng đàn gia súc, gia cầm. Ngoài phun ở những nơi công cộng, xã tập trung phun tại chợ Thuận Vi, các trang trại, gia trại với gần 500 hộ chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh con giống, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... Trước tình hình thời tiết chuyển rét, Ban Chăn nuôi và Thú y xã phối hợp với Đài Truyền thanh xã và cử cán bộ thú y đến từng hộ tuyên truyền đến người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống rét bảo vệ đàn vật nuôi; chú trọng che chắn, sưởi ấm chuồng trại, tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn vật nuôi mới tái đàn.
Những ngày này, nông dân xã Nguyên Xá cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đàn vật nuôi. Gia đình bà Bùi Thị Như (thôn Kiến Xá) đã chủ động mua bạt về quây xung quanh chuồng trại, di chuyển 50 con bò từ bãi chăn thả về nơi nuôi nhốt tập trung, tiến hành tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng. Đặc biệt, việc dự trữ thức ăn cho đàn bò đã được gia đình bà chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng.
Bà Như cho biết: Khi thời tiết bắt đầu chuyển rét, gia đình tôi đã tiến hành căng bạt và đánh đống rấm để sưởi ấm cho đàn bò. Với đặc điểm của con bò thì không nên căng bạt kín mít mà phải để thoáng, đặc biệt là không để đàn bò bị đói. Song song với đó, gia đình tôi thường xuyên tiêm các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò.
Cách đó không xa, gia đình anh Bùi Ngọc Triển cũng đang tiến hành rải rơm rạ và cắm bóng điện sưởi ấm cho đàn lợn nhà mình. Anh Triển cho biết: Với tình hình thời tiết hiện tại, gia đình tôi tiến hành cắm mỗi ô chuồng một bóng điện 100W vào ban ngày, ban đêm dùng hai bóng 150W để bảo đảm đủ ấm. Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cũng được gia đình duy trì thường xuyên.
Toàn huyện Vũ Thư hiện có 153.439 con lợn, 371 con trâu, 7.931 con bò. Tổng đàn gia cầm 1.474.000 con, trong đó có 1.192.000 con gà, còn lại là gia cầm khác. Toàn huyện có 108 trang trại chăn nuôi, trong đó 86 trang trại chăn nuôi lợn, 6 trang trại chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò và 13 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện và cơ sở, năm 2018 không phát hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Các ổ dịch nhanh chóng được khống chế, không lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, một số bệnh thông thường xảy ra ở đàn gia súc, gia cầm như tụ huyết trùng gia cầm, bệnh tiêu chảy do e.coli, salmonella, bệnh nội khoa, ngoại, sản khoa, ký sinh trùng... đều được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cùng hệ thống thú y cơ sở theo dõi, điều trị hoặc hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp xử lý kịp thời, không để phát sinh thành dịch. Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho lợn trong diện tiêm phòng bình quân của huyện đạt trên 90,2% tổng đàn. Các địa phương đều đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 92% tổng đàn trong diện tiêm phòng.
Để giữ ấm cho đàn vật nuôi trong những ngày trời rét, huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện che chắn chuồng trại, dùng các loại vải bạt, bao dứa, nilon... làm rèm che kín, tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng nuôi. Vào những ngày nhiệt độ dưới 120C cần nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng trại và cho ăn uống đầy đủ, giữ ấm chuồng trại. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung dinh dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm để làm tăng sức đề kháng.
Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Năm 2019, ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục phát triển theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc đạt 90% trở lên trong diện tiêm phòng (riêng bệnh bệnh tả và lở mồm long móng đạt 90% so với tổng đàn). Để đạt được mục tiêu trên, Trạm sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững; tuyên truyền về các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi; mô hình chăn nuôi. Duy trì và tổ chức chặt chẽ hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm; kịp thời xử lý nhanh gọn các trường hợp gia súc, gia cầm ốm chết không để dịch lây lan ra diện rộng. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt việc tiêm phòng gia súc, gia cầm, phát động việc phun hóa chất khử trùng tiêu độc trên phạm vi toàn huyện ngay sau khi kết thúc các đợt tiêm phòng. Ngoài ra, huyện sẽ có cơ chế khuyến khích các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Thu Trang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.