• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Nghề nuôi ong ở Phương Linh

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 24/04/2019
Ngày cập nhật: 26/4/2019

Tận dụng lợi thế diện tích đồi, rừng lớn với đa dạng các loài cây, hoa nở theo mùa, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phương Linh (Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Gia đình anh Dương Văn Thìn ở thôn Nà Phải có truyền thống nuôi ong rừng hơn 30 năm nay.

Tại địa phương, nguồn mật chủ yếu được loài ong lấy từ các loại hoa tự nhiên như: hoa keo, hoa vải, dẻ, nhãn, hoa xoan và một số loại hoa rừng khác. Mỗi năm, gia đình anh Dương Văn Thìn ở thôn Nà Phải thu được 3 đợt mật, với gần 100 lít mật. Vì đã có thâm niên 30 năm trong nghề nuôi ong mật, nên mật ong của anh Thìn đã có thương hiệu, không đủ bán và hầu hết là bà con trong vùng mua để làm thuốc, làm quà biếu. Với giá trung bình từ 300-350 nghìn đồng/lít, anh Thìn thu nhập gần 30 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm thực tế mô hình nuôi ong của anh. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch mật, anh Thìn mở tổ ong, nhấc ra từng cầu ong đầy mật vàng óng, hương thơm ngào ngạt của mật hoa tự nhiên. Anh Thìn chia sẻ: Giống ong được anh đi đón (hánh- gọi theo tiếng địa phương) từ rừng về, sau đó tách đàn để nhân đàn. Mỗi lần như vậy chỉ nuôi một vài tổ, sau phát triển dần lên, lúc nhiều nhất nhà anh có gần 50 tổ ong. Hiện nay anh còn duy trì 30 tổ.

Theo anh Thìn, nuôi ong hàng chục năm qua nhưng anh chỉ đặt cố định tổ ong tại vườn nhà. Bởi lẽ quanh năm 4 mùa hoa nở nên ong vẫn đủ lượng mật để duy trì. Tuy nhiên, cũng có những lúc vào mùa ít mật, thường là khoảng từ tháng 7 dương lịch trở đi, một số đàn không dự trữ đủ lượng mật sẽ bay về rừng, đến mùa sẽ lại về. Cũng có những đàn thì đi mất, không về nữa. Do vậy hằng năm anh vẫn thường tích cực nhân đàn để đảm bảo duy trì số lượng đàn ong.

Khuổi Cụ là thôn có phong trào nuôi ong rừng sôi nổi nhất trong toàn xã, theo thống kê, hiện toàn thôn có gần 20 hộ nuôi ong trên tổng số 57 hộ dân. Hộ ít thì có vài ba tổ để phục vụ trong gia đình, hộ nhiều cũng có từ 20-30 tổ, có hộ có thời điểm lên đến 50 tổ. Đối với một số hộ dân, nuôi ong đã trở thành nguồn thu chính.

Gia đình ông Phan Văn Lộc, người dân thôn Khuổi Cụ đã duy trì nuôi ong gần chục năm nay, thời điểm nhiều nhất ông có 40-50 tổ ong. Ông Lộc cho biết: Cứ vào tháng 4 âm lịch hằng năm là mùa quay mật ong, trong thời điểm này, mỗi thùng ong của ông thu được khoảng 4 lít mật. Đã khoảng 5 năm nay, ông có thu nhập đều gần 40 triệu đồng tiền mật ong/ năm, với khoảng gần 200 lít mật được bán ra thị trường.

Cũng theo ông Lộc, cứ khoảng tháng 9 âm lịch hằng năm, những người nuôi ong đi đón ong ở khe về và đến khoảng tháng 3 âm lịch là lấy sáp vào cầu. Ong rừng dễ nuôi, chất lượng mật đảm bảo, cho thu nhập cao, không tốn nhiều công chăm sóc và vốn ít. Tuy nhiên, hiện nay đối với đàn ong có bệnh thối ấu trùng chưa có phương pháp phòng trừ, hơn nữa ong rừng thường bay đi vào mùa ít hoa, nên người nuôi ong phải thường xuyên tìm đàn, nhân đàn để duy trì đàn ong của mình.

Đồng chí Nông Lường Hào- Chủ tịch UBND xã Phương Linh cho biết: Phong trào nuôi ong lấy mật đã có cách đây khá lâu, chủ yếu theo hình thức đón ong tại rừng về nuôi và chưa có sự đầu tư nhiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nuôi ong mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, nghề nuôi ong tại xã phát triển ở một số thôn như Khuổi Cụ, Nà Phải, Khuổi Lừa… với sản lượng mỗi năm khoảng trên 1.000 lít mật. Xã đang hướng tới thành lập tổ hợp tác nuôi ong tại xã và đăng ký mật ong rừng là sản phẩm OCOP trong năm nay. Trên cơ sở đó, xã sẽ trích một phần kinh phí từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất để đầu tư giống, thùng ong cho tổ hợp tác, nhằm động viên, duy trì và phát triển nghề nuôi ong ở địa phương./.

Lường Loan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang