• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi không kháng sinh, khó đến đâu? - Lộ trình nhiều thách thức

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 25/04/2019
Ngày cập nhật: 29/4/2019

Tại Việt Nam, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 48% sản lượng thịt nên việc loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là quy mô nông hộ thực sự là bài toán nhiều thách thức.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan phức tạp cho thấy khâu phòng chống dịch bệnh và an toàn sinh học tại chăn nuôi trong nông hộ, nhỏ lẻ tại nước ta đang rất yếu. Trong khi đó, một trong những yêu cầu đầu tiên để tiến tới dần loại bỏ kháng sinh là phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn sinh học, vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

Chăn nuôi không kháng sinh là xu thế tất yếu bởi sức khỏe của con người chưa kể thực tế cho thấy hiệu lực của kháng sinh trên vật nuôi đang ở mức rất thấp

PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định, chăn nuôi không sử dụng kháng sinh là điều rất cần được khuyến kích nhân rộng và là xu thế tất yếu, nhưng việc này không hề dễ dàng trong điều kiện chăn nuôi, khí hậu ở nước ta. Nhưng nếu cho rằng sử dụng sản phẩm thay thế kháng sinh làm tăng giá thành cũng không hoàn toàn đúng, bởi theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, chính việc sử dụng kháng sinh cũng góp phần làm tăng giá thành và các chi phí hệ lụy xã hội khác.

PGS.TS Phạm Kim Đăng lấy dẫn chứng, các sản phẩm thay thế kháng sinh có thể tăng chi phí so với không sử dụng kháng sinh nhưng qua đó giảm được tỷ lệ mắc bệnh, vật sinh trưởng, phát triển tốt, hấp thụ thức ăn hiệu quả hơn và đặc biệt là cải thiện môi trường cũng như sức khỏe của chính người sản xuất, người tiêu dùng nên tính tổng thể hướng đến sự ổn định bền vững của ngành chăn nuôi hiệu quả, lợi ích lớn hơn rất nhiều.

Bổ sung cho quan điểm, xu thế tất yếu này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên Nguyễn Văn Duy chia sẻ, từ năm 2018 đến nay đơn vị đã giảm tới 80% lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi vịt và hiệu quả mang lại đến nay rất tích cực.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thú y lớn tại miền Bắc khẳng định, việc loại bỏ dần kháng sinh trong chăn nuôi là xu thế tất yếu và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là có thực sự quyết tâm làm hay không. Phải quản lý thật chặt, xử thật nghiêm việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ bởi đây là mối nguy lớn nhất và khó kiểm soát nhất.

Theo ông Duy, do dùng kháng sinh quá lâu và quá dài nên thực tế cho thấy hiệu lực, hiệu quả của kháng sinh trên vật nuôi đang ở mức khá thấp. Do đó, sau khi nâng cấp an toàn sinh học và vệ sinh thú y trong chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã mạnh dạn cắt giảm tới 80% lượng kháng sinh sử dụng mỗi năm, qua đó tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, mang lại lới ích kép.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam khẳng định, thực tế hiện nay các sản phẩm thay thế kháng sinh không đắt hơn kháng sinh thông thường là mấy, bản thân VMC hiện cũng đang sản xuất và cung ứng các loại probiotic và nấm men dùng thay thế các dòng kháng sinh trên đường tiêu hóa với giá thành tương đương sử dụng kháng sinh, đem lại lợi ích lâu dài cho người chăn nuôi, góp phần cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm thịt, trứng, sữa an toàn hơn, mùi vị thơm ngon hơn.

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phổ biến hiện nay, đó là tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Giải pháp quan trọng thứ hai chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và hạn chế tối đa các stress, nhất là stress nhiệt. Sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh như như tinh dầu thực vật, peptide kháng khuẩn, hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch và probiotics… nhìn chung, hiệu quả mang lại rất khả quan.

Còn TS. Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và người dân chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thông qua hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ…. nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để thực hiện thành công chương trình này, TS. Ngô Thị Kim Cúc kiến nghị, cần rà soát, bổ sung kế hoạch hành động và chia kế hoạch làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2024) thúc đẩy thực hành tốt và nâng cao nhận thức của các bên liên quan, như xây dựng các biện pháp thay thế việc sử dụng kháng sinh, tăng cường quy định về thực hành thương mại và các nguyên tắc kê đơn. Bên cạnh đó là tăng cường hệ thống giám sát sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh.

Giai đoạn 2 (2025-2030), xây dựng các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm và giảm bớt thủ tục cho các phương pháp điều trị thay thế. Truyền thông và đào tạo về các vấn đề ứng phó với kháng kháng sinh, kê đơn kháng sinh hợp lý và biện pháp ứng phó với các bệnh truyền nhiễm. Chia sẻ các công cụ, phổ biến rộng rãi các công cụ đánh giá và giám sát liên quan đến việc sử dụng kháng sinh, cũng như các công cụ về kê đơn và quản lý thuốc có trách nhiệm. Chia sẻ các nỗ lực đảm bảo các nguyên tắc sử dụng kháng sinh đúng cách được áp dụng ở cấp quốc gia.

“Sử dụng sản phẩm thay thế kháng sinh là hướng đi tất yếu của ngành chăn nuôi trong cả hiện tại và tương lai. Do vậy, nhà nước và doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường đầu tư vào nghiên cứu áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm thay thế kháng sinh có giá thành phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Song song với đó là giải pháp nâng cao an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ giúp hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, bởi “một đồng phòng bệnh bằng một triệu đồng chữa bệnh”. Đây là giải pháp rẻ nhất để hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay”, TS Ngô Thị Kim Cúc.

“Theo tôi, để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trước hết phải giáo dục đạo đức, hiểu biết cũng như trách nhiệm với xã hội của người chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh thuốc và cán bộ thực thi giám sát thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng cũng cần lên tiếng tẩy chay sản phẩm không an toàn và ủng hộ sản phẩm uy tín, chất lượng đảm bảo rõ ràng về truy xuất nguồn gốc. Tiếp cận quản lý từ gốc, theo chuỗi, giám sát từ đầu vào, quá trình chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thực phẩm”, PGS.TS Phạm Kim Đăng.

NGUYÊN HUÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang