Nguồn tin: Báo Phú Yên, 27/04/2019
Ngày cập nhật:
29/4/2019
Tiêm phòng vắc xin cho vịt trong mùa chạy đồng để hạn chế dịch bệnh - Ảnh: THỦY TIÊN
Vụ lúa đông xuân vừa thu hoạch xong cũng là lúc bước vào mùa vịt chạy đồng. Phương thức nuôi này giúp tiết kiệm chi phí nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Thú y cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát.
Người nuôi tăng đàn
Những ngày qua, trên các khu đồng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), khi lúa gặt xong, các chủ vịt đã cho đàn ra ăn đồng. Ông Bảy Đàm ở xã Hòa Quang Bắc, một hộ nuôi vịt đang cho đàn chạy đồng ở đây, nói: Mùa vịt ăn đồng là mùa mà những người nuôi vịt đẻ có lợi nhuận khá nhất trong năm.
Bởi khi vào mùa chạy đồng, thay vì rộng vịt cho ăn cám và lúa thì vịt tự thu nhặt lúa sót trên đồng để ăn, người nuôi chỉ vãi thêm ít lúa cho vịt ăn bổ sung để nâng tỉ lệ đẻ trứng. Đón mùa đồng này, từ khi lúa đông xuân bắt đầu trổ, tôi đã tăng đàn thêm 500 con, đạt 1.500 con.
Đến nay, khi vào mùa chạy đồng cũng là lúc đàn vịt vào kỳ cho trứng; nhờ lượng thức ăn dồi dào, lại có nguồn đạm từ cua, ốc, cá trên đồng nên vịt đẻ sai, trứng lại to.
Tương tự, những ngày qua trên các khu đồng ở xã An Thạch (huyện Tuy An), nhiều chủ vịt cũng đã đưa đàn về cắm sào. Theo ông Nguyễn Văn Sang ở xã An Thạch, vụ này ông thuê được 50ha đồng ở địa phương để thả vịt.
Đàn vịt đẻ nhà ông có 2.000 con, trong đó có 1.000 con mới tăng đàn khoảng 2 tháng trước. “Sau khi kết thúc mùa đồng, tôi sẽ thải bớt 1.000 con vịt già vì tỉ lệ cho trứng đã giảm, chỉ giữ lại 1.000 vịt tơ nuôi lấy trứng, đợi đến mùa đồng sau sẽ tính toán tăng đàn thêm”, ông Sang cho biết.
Theo những hộ nuôi vịt thì nhiều năm gần đây, thị trường tiêu thụ trứng vịt không được ổn định, giá cả lên xuống thất thường; trong khi đó chi phí thức ăn tăng liên tục nên người nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các hộ nuôi vịt chỉ trông chờ vào 2 mùa chạy đồng trong năm vì khi đó, chi phí giảm đáng kể so với nuôi nhốt.
Ông Sáu Đặng ở xã Hòa Quang Bắc, cho biết: Nếu như nuôi nhốt 1.000 con vịt thì mỗi ngày tôi phải tốn khoảng 1,3 triệu đồng tiền cám và lúa. Nhưng vào mùa chạy đồng, mỗi ngày tôi chỉ tốn khoảng 10kg thức ăn bổ sung, còn chủ yếu đàn vịt tự tìm thức ăn trên đồng nên người nuôi vịt còn có lãi chút ít khi giá trứng giảm còn 15.000 đồng/chục như hiện nay.
Kiểm soát dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn vịt toàn tỉnh thường ổn định vào khoảng 1,7 triệu con, nhưng vào những thời điểm cá biệt như mùa chạy đồng thì các hộ nuôi vịt đều tăng đàn để đón đồng. Vào mùa này, người chăn nuôi sẽ di chuyển đàn vịt chạy từ địa phương này sang địa phương khác hoặc cũng có thể từ các tỉnh ngoài đưa vào ăn đồng nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh rất cao.
Để khống chế, không phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm, chi cục đã chỉ đạo các trạm Chăn nuôi và Thú y cơ sở chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm soát chặt việc vận chuyển, xuất nhập đàn gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt không để bất cứ đàn gia cầm nào chưa được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định được xuất, nhập tỉnh.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Hiện phần lớn diện tích đồng lúa tại địa phương đã thu hoạch xong, các hộ chăn nuôi vịt đã đưa đàn về dựng trại cho vịt ăn đồng. Hầu hết đàn vịt đang ăn đồng ở đây đều của người địa phương, không có đàn từ ngoài vào nên việc giám sát, kiểm soát dịch bệnh thuận lợi, đặc biệt là loại bỏ được mầm bệnh mang từ ngoài vào.
Còn theo ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, tại địa phương này công tác giám sát dịch bệnh đang được kiểm soát chặt thông qua việc theo dõi sổ nhập, xuất đàn. Đặc biệt, địa phương kiểm soát chặt các đàn gia cầm từ các địa phương khác di chuyển về, đảm bảo các đàn gia cầm này đã tiêm phòng đủ vắc xin, được nuôi nhốt cách ly đúng quy định. Ngoài ra, chi cục còn tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi vịt ở địa phương tiêm phòng vắc xin cho gia cầm theo khuyến cáo của ngành.
Với những điều kiện bất lợi về thời tiết, đàn gia cầm đang vào mùa chạy đồng thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Để bảo toàn đàn vật nuôi, bà con cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, theo dõi sát đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh dịch. Trường hợp phát hiện gia cầm có các dấu hiệu bệnh, chết, người dân phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất, không vứt gia cầm chết ra môi trường để tránh lây lan...
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.