• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bàn chuyện tái đàn heo

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 01/05/2019
Ngày cập nhật: 3/5/2019

Dù chưa tới tháng mưa nhưng một số hộ chăn nuôi ở huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đã rục rịch tái đàn. Sau đây là một vài ý kiến nhận định và lời bàn của người chăn nuôi có kinh nghiệm và cơ quan chức năng.

Người chăn nuôi cần cẩn trọng chọn giống khi tái đàn.

Khan hiếm heo giống chất lượng

Thời điểm này, rải rác một số hộ chăn nuôi ở huyện Mỏ Cày Nam đã tái đàn heo. “Cứ 20 hộ chăn nuôi thì có 2 - 3 hộ tái đàn. Họ nuôi cầm chừng độ nửa chuồng chứ chưa tái đàn hẳn vì còn sợ nguy cơ dịch bệnh”, anh Nguyễn Văn Bé Chín - Tổ phó Tổ hợp tác heo Phước Sang, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam cho biết.

Mối bận tâm lớn nhất của người chăn nuôi lúc này là heo giống chất lượng. Tuần qua, giá heo giống (heo con) từ 19 - 20kg/con ở mức 2 triệu đồng/con, mức giá này tăng hơn ngày thường đến 500 ngàn đồng/con. Mua heo con 16 - 17kg/con hay 6 - 7kg/con thì khó nuôi hơn, rủi ro cao. Heo con lớn thì vốn ra nhiều hơn nhưng được cái yên tâm, dễ nuôi. “Khi tôi chọn heo giống thì tìm đến những công ty lớn chuyên cung cấp heo giống, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; còn mua heo giống của dân gom lại bán thì khá lo lắng, dù giá có thấp hơn khoảng 200 ngàn đồng/con so với heo công ty”, anh Nguyễn Văn Bé Chín chia sẻ.

Vấn đề thời tiết nắng nóng, nước mặn đối với người chăn nuôi theo chuẩn an toàn thì không đáng lo. Tâm lý người dân thường đợi mưa xuống, mát thì tái đàn nhưng đối với những hộ chăn nuôi có quy mô chuồng trại theo hướng VietGAP thì không sợ, vì chuồng trại được thiết kế khá bài bản, chống nóng. Anh Nguyễn Văn Bé Chín cho biết: “Đối với người chăn nuôi khu vực từ ngã tư An Định lên thị trấn Mỏ Cày thì xài nước giếng cho heo được, còn từ ngã tư An Định xuống ngã ba Sân Trâu (huyện Thạnh Phú) thì nước giếng không xài được do mặn và phèn, còn chúng tôi, những hộ chăn nuôi ở xã Cẩm Sơn phải xài nước mặt (nước sông). Đến giờ này, tôi thấy nước sông không có mặn”.

Thiếu hụt con giống, khan hiếm thịt cung cấp cho thị trường nhưng hộ chăn nuôi không dám tái đàn, một phần vì sợ dịch bệnh và túi tiền thì cũng đã cạn. “Ai chăn nuôi khép kín, có kế hoạch sản xuất con giống thì đỡ, ai chăn nuôi kiểu thời vụ thì khó khăn vô cùng. Trang trại của tôi đang có khoảng 2 ngàn con heo giống”, anh Hồ Văn Truyền, chủ trang trại nuôi heo ở xã Thành Thới B cho biết.

Lưu ý khi tái đàn

Hiện nay, chính quyền, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh việc vận động người chăn nuôi tập trung thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh, phòng chống hạn mặn. Các giải pháp cần phải quan tâm nhiều nhất là tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi, giữ cho chuồng trại thông thoáng, vệ sinh, tiêu độc, sát trùng định kỳ. Bên cạnh đó, cần dự trữ nước sử dụng đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh, nâng cao sức đề kháng vật nuôi.

Trước khi thực hiện việc tái đàn, tăng đàn vật nuôi, ông Phạm Kim Thành - Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật nuôi khuyến nghị, bà con theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu tại khu vực chăn nuôi. Nếu tăng số lượng vật nuôi vào thời điểm nắng nóng mà không theo dõi và điều chỉnh kịp thời thì sẽ khó tránh tình trạng vật nuôi bị thiếu nước, xáo trộn tiêu hóa, khả năng tăng trưởng, phát triển kém.

Ngoài ra, khâu chọn giống sản xuất là việc mà người chăn nuôi quan tâm. Trong chăn nuôi heo có hai mục đích chính là sản xuất thịt, tức là chăn nuôi heo thịt và sản xuất con giống tức là chăn nuôi heo nái sinh sản và chăn nuôi heo đực giống để phối trực tiếp hoặc khai thác tinh, pha chế thực hiện hoạt động gieo tinh nhân tạo. Sau khi đã xác định được mục đích chăn nuôi thì người chăn nuôi mới xác định giống và lựa chọn con giống. Con giống được chọn nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ cơ sở phải có sổ sách theo dõi và phải có cơ quan thú y kiểm dịch (đối với con giống được chọn mua từ các nơi ngoài tỉnh chuyển về).

Thông điệp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đưa ra là, người chăn nuôi cần phải theo dõi giá cả sản phẩm chăn nuôi, nhu cầu thị trường, diễn biến thời tiết, khí hậu, điều kiện chăn nuôi hiện có để định hướng và giải pháp phát triển phù hợp.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang