• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết chăn nuôi heo: Tăng lợi nhuận, giảm dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 07/05/2019
Ngày cập nhật: 8/5/2019

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có đàn heo trên 3,5 triệu con, chiếm khoảng 13% tổng đàn heo của cả nước. Từ những mô hình nhỏ lẻ, nuôi theo hình thức “bỏ ống”, hiện nay, không ít nông hộ đã mở rộng chăn nuôi theo hướng thâm canh. Nhiều hộ đã thực hiện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, các công ty thương nghiệp địa phương để cung cấp nguyên liệu thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng là giải pháp tốt nhất giảm thiểu vấn đề dịch bệnh trên đàn heo.

Tái cơ cấu

Căn nhà khang trang của ông Dương Hữu Dũng, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ có chi phí xây dựng gần 2 tỉ đồng. Đây là số tiền thu nhập từ đàn heo nuôi theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp của gia đình ông. Nhờ đổi mới cách nuôi theo hình thức trang trại heo sạch với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng, trang trại heo Dũng Nhung của gia đình ông đã trở thành địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp các loại heo giống, heo thịt. “Đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại đáp ứng theo tiêu chuẩn sạch dù chi phí khá cao, nhưng bù lại chất lượng đàn heo được đảm bảo, an toàn và đặc biệt giúp phòng ngừa bệnh cho đàn heo rất hiệu quả. Vấn đề đầu ra là khâu quan trọng nhất cũng được đảm bảo bởi có sự liên kết với các doanh nghiệp…” – ông Dũng nói.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nghề chăn nuôi heo đã có sự chuyển biến rõ nét về quy mô sản xuất, cũng như chất lượng đàn heo. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nghề nuôi heo ở vùng châu thổ này cũng đã và đang lộ rõ nhiều điểm yếu như: quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chưa giải quyết triệt để dịch bệnh và khả năng cạnh tranh kém... Vì vậy, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị là giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề nuôi heo một cách bền vững.

Nhiều nhà nông cho biết, khó khăn lớn nhất của nghề nuôi heo ở Đồng bằng sông Cửu Long là còn quá phụ thuộc vào thị trường từ con giống, thức ăn, thuốc thú y nên giá thành sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin thị trường nên hầu hết các nông hộ nuôi heo với quy mô nhỏ thường tăng đàn khi giá heo hơi tăng và lúc thị trường biến động bất lợi họ vội vã bán tháo vì thiếu vốn và không có biện pháp phòng ngừa rủi ro. Anh Đặng Văn Sáu, xã Thạnh Quới, Long Hồ, Vĩnh Long, cho biết: Nghề chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Đầu ra không ổn định, giá lúc cao lúc thấp, mình đầu tư không đúng thời điểm, không ai dự báo thị trường… rủi ro sẽ rất cao.

Thời gian gần đây, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để gia tăng số lượng và chất lượng đàn heo, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện một số hình thức liên kết trong chăn nuôi. Tuy số lượng chưa nhiều, quy mô không lớn, nhưng có thể xem đây là “đòn bẩy”, là cơ sở quan trọng để phát triển nghề nuôi heo bền vững ở vùng châu thổ này. Qua những đợt “giải cứu”, người nuôi heo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã rút ra bài học kinh nghiệm là nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh và đặc biệt là phải có đầu ra ổn định. Điều này bản thân nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể thực hiện mà phải liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp.

Liên kết

Thời gian gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những hình thức liên kết chăn nuôi khá hiệu quả là nông hộ ký hợp đồng nuôi gia công với các công ty chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Hiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết, ngoài sản xuất lúa, công ty còn đầu tư trang trại nuôi heo thịt với số lượng trên 1.000 con. Thời gian qua, tuy giá heo hơi có lúc xuống thấp, nhưng đàn heo vẫn được duy trì. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư con giống tốt và tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương như gạo, tấm cám mà giá thành sản xuất giảm đi đáng kể. Mặt khác, ngoài việc liên kết các doanh nghiệp để mua thức ăn với giá hợp lý, trang trại còn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm.

Thực hiện tốt mối liên kết, không chỉ giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, mà các doanh nghiệp cũng có thêm điều kiện phát triển kinh doanh, nhờ nguồn nguyên liệu với số lượng và chất lượng ổn định. Nhận rõ điều này, mấy năm gần đây, Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ đã mạnh dạn liên kết với hàng chục trang trại và nhiều hộ chăn nuôi heo ở địa phương, thông qua hợp đồng để đầu tư vốn, con giống tốt và tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện theo hợp đồng, chủ cơ sở chỉ đầu tư xây dựng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, công chăm sóc, còn doanh nghiệp sẽ cung cấp heo giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật. Khi heo đến thời điểm xuất chuồng, doanh nghiệp sẽ trả phí gia công cho cơ sở chăn nuôi theo giá thỏa thuận, bình quân từ 4.500 đồng đến 5.000 đồng/kg heo hơi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, nói: Trước đây, gia đình tôi nuôi heo quy mô nhỏ lẻ rủi ro cao, giờ liên kết với công ty, chúng tôi chỉ đầu tư ban đầu, các chi phí khác và khâu tiêu thụ đã có công ty lo… Chính vì yên tâm về đầu ra cho sản phẩm mà 3 năm qua ông Năm Dũng đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng để xây dựng 5 khu chăn nuôi với tổng đàn 12.000 con heo thịt mỗi năm. Bình quân mỗi năm thu lãi hơn 3 tỉ đồng…

Từ lâu, ngoài sản xuất lúa, phần lớn hộ dân ở ấp E2, xã Thạnh lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ còn có nguồn thu nhập đáng kể từ nghề nuôi heo. Những lúc giá cả ổn định, tổng đàn heo trong ấp có trên 4.000 con. Thời gian gần đây, khi giá thức ăn tăng cao nhưng giá heo thịt lại xuống thấp khiến cho phần lớn hộ nuôi heo gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi Hợp tác xã chăn nuôi Thạnh Lợi được thành lập, số thành viên tham gia ngày càng nhiều.

Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, số trang trại chăn nuôi heo với quy mô từ vài ngàn đến chục ngàn con rất ít, mà phần nhiều là các nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, hình thức “liên kết ngang” giữa nông dân với nông dân, thông qua các câu lạc bộ, tổ liên kết, hoặc hợp tác xã đang là mô hình được người chăn nuôi heo và chính quyền ở các địa phương quan tâm.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thông qua tổ liên kết hoặc hợp tác xã, người chăn nuôi không chỉ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau cùng phát triển, mà còn được Nhà nước hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật để mở rộng, phát triển sản xuất. Điều quan trọng hơn nữa là với tư cách pháp nhân của mình, các hợp tác xã sẽ đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, một số tổ liên kết, hợp tác xã và nhiều nông hộ còn thực hiện chăn nuôi heo hướng hữu cơ. Nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tấm, cám, rau xanh… để làm thức ăn cho đàn heo mà giá thành sản xuất giảm đáng kể và chất lượng đàn heo cũng được tăng cao. Một số hợp tác xã và nông hộ cũng đã phát triển được hệ thống cửa hàng bán thịt heo sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Cách làm này không chỉ chủ động đầu ra cho sản phẩm, mà từng bước còn hướng đến xây dựng thương hiệu thịt heo sạch, chất lượng của địa phương.

Ngoài ra, với mô hình liên kết, không những lợi nhuận thu được khá ổn định, mà quan trọng hơn là người chăn nuôi không phải lo lắng khi thị trường biến động bất lợi và quan trọng hơn cả là dịch bệnh đã được khống chế tốt nhất. Điển hình như trong đợt dịch bệnh hiện nay, các ổ dịch tả heo châu Phi đều xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn các trang trại lớn với chế độ kiểm dịch chặt chẽ thì hầu hết đều đang an toàn trước dịch bệnh...

Kỉnh Huy

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang