Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, 07/05/2019
Ngày cập nhật:
9/5/2019
Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Long Phú (Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, nhân rộng mô hình hiệu quả đến các hộ nghèo để phát triển sản xuất, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hộ ông Trần Hoàng ngụ tại ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú là một trong những hộ vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi bò. Ông Hoàng cho biết: “Năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, tôi mua cặp bò để nuôi. Sau thời gian nuôi và chăm sóc, đàn bò gia đình tăng thêm được vài con và tích lũy được số vốn nhờ bán con bê. Hiện tại, gia đình còn nuôi được 6 con bò”.
Nhờ chọn mô hình sản xuất phù hợp, có quyết tâm làm ăn với hy vọng không còn cái nghèo đeo bám nữa, gia đình ông Hoàng đã ra sức chăm sóc đàn bò cẩn thận và ước mơ thoát nghèo của gia đình ông đã thành hiện thực. Ông Hoàng chia sẻ: “Hồi trước nhà tôi khó khăn lắm, khi được vay vốn nên nhà tôi quyết định chọn con bò để phát triển sản xuất gia đình. Bây giờ, cuộc sống kinh tế gia đình được ổn định hơn trước rất nhiều”.
Gia đình ông Trần Hoàng có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi bò
Còn hộ ông Thạch Tết cũng ngụ tại ấp Nước Mặn 2 tăng thêm thu nhập và có cuộc sống ổn định từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng. Hiện nay, mô hình này đang rất được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, với ưu thế dễ nuôi, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít và mang lại nguồn thu nhập khá cao. Cùng trò chuyện với chúng tôi, ông Tết chia sẻ: “Nuôi dê nhốt chuồng không đòi hỏi chi phí cao, người nuôi chỉ cần bỏ vốn mua giống tốt từ lúc ban đầu với giá từ 3-4 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, dê là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh. Mỗi năm, dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con”.
“Thức ăn của dê cũng rất dễ tìm, chủ yếu là cỏ và các loại lá cây nên người nuôi không phải tốn chi phí. Nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng còn có nhiều lợi ích như: Không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp, có nguồn phân ủ hoai mục để chăm bón thêm cho cây trồng. Sau khoảng thời gian 8 tháng nuôi, dê đã đạt trọng lượng từ 40kg, hiện nay đầu ra thịt dê cũng rất ổn định, dê cái bán được giá 50.000 đồng/kg, dê con thì có giá cao hơn từ 70.000 đồng/kg” - ông Tết cho biết thêm.
Ngoài ra, những năm gần đây, do điều kiện hạn, mặn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân ở xã Long Phú. Theo đó, một số người dân đã chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn và mang lại hiệu quả kinh kế khá ổn định. Như hộ bà Nguyễn Thị Sel ở ấp Phú Đức, xã Long Phú đã chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn, hiện nay mỗi đợt thu hoạch được khoảng trên 100kg cộng non bồn bồn. Bà Sel cho biết: “Bồn bồn rất dễ trồng, trồng khoảng 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch, cây chịu được nước mặn nên không lo bị thiệt hại như trồng lúa, trồng bồn bồn thu hoạch quanh năm và mỗi tháng có thể thu hoạch 1 lần. Tôi chỉ trồng một phần diện tích nhỏ, nhưng tính ra mỗi tháng cũng thu được khoảng 1 triệu đồng từ bán cộng non bồn bồn”.
Với chủ trương giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo cùng với sự hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình, dự án, xã Long phú đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó, mô hình chăn nuôi bò và dê được đánh giá cao. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Long Phú Quách Kim Toàn: “Mô hình chăn nuôi bò và dê mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được địa phương nhân rộng. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò có hiệu quả nhất, giúp thoát nghèo bền vững. Do địa phương sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, người dân có thể tận dụng nguồn phế phẩm để làm thức ăn cho bò và đồng thời chăn nuôi bò cũng không cần diện tích đất rộng để làm chuồng mà vẫn đảm bảo tốt về môi trường”.
Cũng theo ông Quách Kim Toàn: “Ngoài mô hình chăn nuôi gia súc, mô hình trồng cây bồn bồn cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, đây là cây trồng có lợi nhuận khá cao. Hiện nay, ở địa phương có khoảng hơn 40 ha diện tích trồng bồn bồn”.
Tuyết Xuân
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.