• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mưu sinh dưới tán rừng cao su

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 9/5/2019
Ngày cập nhật: 12/5/2019

Thấp thoáng dưới tán rừng cao su đang mùa thay lá, nhiều lều trại được dựng lên để nuôi những bầy ong đi tìm hoa hút mật. Bị lôi cuốn bởi món quà thiên nhiên ban tặng, những con người vốn quen với cuộc sống tha phương đang phiêu dạt theo những mùa hoa để “đánh mật”.

Nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cao su

Mùa ong cho mật

Trong cái nắng hanh vàng giữa rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi tìm về khu vực đặt các trại nuôi ong thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Vụ thu hoạch mủ đã xong khá lâu nên những vườn cao su vắng bóng thợ cạo. Thấp thoáng trong các khu vườn là những lều trại do người nuôi ong từ nhiều vùng miền tụ về. Các khu lều trại được dựng lên bằng gỗ, nứa, che bởi tấm bạt ni lông, trống trước hở sau. Khu lều trại của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà (60 tuổi) có 3 người đang sinh sống, với hơn 200 thùng ong được đặt chạy dài giữa những hàng cao su đang mùa thay lá. Mỗi thùng có cả ngàn con ong thợ, được chủ trại chăm sóc kỹ lưỡng để bay đi tìm hoa hút mật.

Gần 8 giờ sáng, ông Hà tiến đến từng thùng ong, bắt đầu công việc ngày mới. Đôi tay nhanh thoăn thoát bám vào các cầu ong đã kết mật vàng sóng sánh, ông cẩn thận kiểm tra từng thùng một rồi kéo xà cầu đưa bột đậu nành đã rang xay để ong ăn. Bị đánh động, bầy ong bay tứ tung tấn công chủ trại, nhờ đã chuẩn bị chiếc nón có gắn lưới che nên ông Hà không bị ong chích. Khi cho ong ăn, ông cũng không quên dùng con dao nhỏ cạo bỏ những vết dơ do thức ăn thừa của bầy ong mật rồi đặt cầu ong vào vị trí cũ.

Dọn xong một cầu ong, ông Hà dừng lại bảo: “Thùng này vừa quay mật được 2 ngày trước, nhưng ong đã tạo gần 3 cầu mật nên phải chú ý tăng cường thêm thức ăn để cuối tuần thêm một lần quay mới. Dịp này không có mưa nên ong tìm hoa lấy mật đều, chẳng mấy ngày nữa lại có thêm huê lợi”. Thoạt trông, công việc có vẻ nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng phải làm vào buổi sáng vì buổi chiều ong đi kiếm ăn và rất dữ tợn. Trong mỗi thùng ong có một con ong chúa màu vàng óng, được tạo ra lúc chia đàn và cả ngàn con ong thợ có nhiệm vụ tìm hoa kiếm mật, hễ khi “có động” lại phát ra âm thanh ầm ĩ. Cứ thế, trong vòng 3 giờ, hơn 200 thùng đã được cung cấp thức ăn để tiếp thêm năng lượng cho bầy ong thợ bay đi tìm mật.

Hơn 11 giờ, ông Hà dừng công việc. Khẽ gạt những giọt mồ hôi chát mặn lăn trên gò má, ông Hà cho biết thêm, mỗi lần “thăm mật” thì chỉ cần 1 - 2 người, nhưng lúc thu hoạch thì phải có 10 người. Nuôi ong phải tùy theo “nguồn đổ”, có nghĩa là tùy lượng mật mà một thùng ong có thể quay mật 2 - 3 lần/tuần, nên với số lượng thùng ong hiện nay của gia đình ông, thu nhập mỗi tháng có thể lên tới 120 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí thức ăn cho ong cũng tốn kém, lên tới 1 triệu đồng/ngày.

Nhìn những giọt mật vàng sóng sánh, bà Nguyễn Thị Vui (42 tuổi, vợ ông Hà) nhiều năm theo chồng “đánh mật” nói thêm vào: “Do đàn ong di chuyển với bán kính rộng chừng 2km, nên việc đặt lều trại cũng phải chọn lựa để tránh những vườn cây sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi gặp sự cố, phải di chuyển đi nơi khác mới cứu được bầy ong và thu được những giọt mật sạch. Mật cao su ngọt và thường không bị nhiễm thuốc kháng sinh nên có màu vàng sáng. Hiện nay, thị trường ong mật cũng rất khắt khe nên trước khi tung ra thị trường phải đo mẫu, độ màu, xem có đạt tiêu chuẩn hay không”.

Phiêu dạt theo những mùa hoa

Năm nay mới 17 tuổi nhưng anh Đoàn Đình Ngọc (quê Bình Thuận) đã có thâm niên 2 năm theo cha mẹ rong ruổi nhiều nơi, để đưa đàn ong đến các vùng đất mới tìm mật. Anh cho biết, mùa đánh mật chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch), quãng thời gian sau phải đưa đàn về để dưỡng ong rồi chia đàn và nhân giống. Trong lúc chia đàn phải tạo ra một con ong chúa cho mỗi thùng, ong chúa có nhiệm vụ đẻ trứng sinh ra ong thợ để đi hút mật và cân đối các cầu ong trong một thùng để tiếp tục lên đường “đánh mật”. Anh Ngọc tâm tình: “Mùa nào mật đó, nên đã theo nghề phải chấp nhận rong ruổi khắp nơi. Khi thì lên tận Đắk Nông, Đắk Lắk để đánh mật hoa cà phê; lúc về Đồng Nai để tìm hương hoa tràm, hoặc phải ngược ra Hưng Yên, Bắc Giang tìm hoa nhãn lồng. Mỗi năm chỉ có một lần về thăm nhà”.

Làm nghề “đánh mật” tức phải chấp nhận cuộc sống phiêu dạt nay đây mai đó, lấy lều trại làm nơi cư trú, làm bạn với cảnh “màn trời chiếu đất”, thường xuyên đối diện với hiểm họa từ dịch bệnh, mưa dông và gió lốc. Và cũng phải chấp nhận rủi ro, muốn đặt trại phải bỏ tiền đặt cọc, thuê chỗ, nhưng có khi đặt trại ngày trước, hôm sau đã phải di dời do mưa bão phá trại khiến các thùng ong tan vỡ. Mỗi lần trại bị phá như thế phải di chuyển cả một quãng đường dài để tìm bến mới, chi phí rất tốn kém.

Và không ngoài quy luật thị trường, nghề nuôi ong lấy mật cũng bấp bênh, có khi sản phẩm đã thu hoạch nhưng bí đầu ra vì bị tiểu thương ép giá. Giá mật ong khi cao lên tới 47.000 đồng/kg, nhưng hiện tại thì “bèo bọt” chỉ 26.000 đồng/kg nên phải trữ lại chờ giá, không dám tung ra thị trường.

Dù nay đây mai đó, thiếu thốn đủ đường, nhưng khi đã thành niềm đam mê khó bỏ thì những người nuôi ong lấy mật vẫn cứ “chạy” theo những mùa hoa bung nở trên dặm dài những nẻo đường xa ngái, để nuôi thân và lo cho cuộc sống gia đình.

HOÀNG BẮC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang