Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 15/05/2019
Ngày cập nhật:
16/5/2019
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một “cứu cánh.
Chăn nuôi gia súc có thể là một “cứu cánh”
Ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước khoảng 2,4 triệu con, trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tổng đàn lớn nhất, xấp xỉ 1,4 triệu con. Trong 3 năm qua, tổng đàn trâu của cả nước giảm nhẹ 1,89%, tổng đàn bò tăng trung bình 2,75%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của đàn bò lai là 4,27%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò là 4,11%/năm.
Đối với đàn bò sữa, tốc độ tăng trưởng đạt 2,09%/năm. Ước tính, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, đây là mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH True milk, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò sữa đạt 26,1 - 28 kg/con.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một “cứu cánh”, giúp cân bằng sản lượng thịt phục vụ cho người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn chưa được khai thác đúng mức, bởi sản lượng thịt mới chiếm khoảng 8%, trong khi thịt lợn chiếm đến 70%, gà 20%. “Ngành chăn nuôi đang chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, đáp ứng nhu cầu cơ bản của 100 triệu dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều nút thắt, đóng góp cho xuất khẩu còn thấp. Nếu không xuất khẩu thì lấy đâu ra động lực tái cơ cấu ngành, phân chia lợi nhuận bền vững cho chuỗi?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Đáng lưu ý là, trong giai đoạn 2016-2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng. Từ 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD.
Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu sớm tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia súc lớn, coi đó là một nhu cầu cấp thiết. Ngành chức năng, các địa phương cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.
Chăn nuôi đang chuyển sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt/ năm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Phát triển hơn nữa từ lợi thế
Được đánh giá là một ngành hàng có lợi thế nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ cần có những thay đổi căn bản để tận dụng được lợi thế này.
Theo TS.Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin: “Thống kê cho thấy, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 mới đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 kg/người/năm. Đáng chú ý, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang từng bước chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn, giúp quy mô đàn, năng suất và sản lượng sản phẩm gia súc ăn cỏ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng về sản lượng của các sản phẩm luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, chứng tỏ năng suất chăn nuôi gia súc ăn cỏ ngày càng được cải thiện.
Phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, điển hình là các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay; từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới”, ông Chinh cho biết thêm.
Tuy vậy, đại diện Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tình hình nhập lậu động vật sống đặc biệt là bò thịt và sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài qua đường bộ biên giới phía Tây, Tây Nam, phía Bắc… vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Đỗ Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.