Nguồn tin: Báo Long An, 20/05/2019
Ngày cập nhật:
21/5/2019
Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn khi mọi sản phẩm đầu ra đều giảm nhưng giá các loại đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, điện, xăng,... đều tăng.
Người chăn nuôi heo điêu đứng
Sau hơn 2 tháng kể từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại một số tỉnh, thành trên cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dù có heo đang phát triển tốt nhưng đều lo lắng, bất an vì giá heo giảm sâu và khó tiêu thụ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi và cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời.
Người chăn nuôi điêu đứng vì giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm mạnh mà giá thức ăn đầu vào không giảm
Theo ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa): “Trước đây, khi chưa có thông tin về DTHCP xuất hiện, gia đình tôi thường bán heo hơi với giá từ 50.000-53.000 đồng/kg. Khi dịch bệnh xảy ra, giá heo lập tức giảm xuống và đến nay chỉ còn từ 33.000-35.000 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua. Gia đình tôi hiện có 30 con heo nái, hơn 150 con heo thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng. Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ nặng”. Còn anh Nguyễn Công Trung (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Sau gần 2 năm chăn nuôi gặp “bão giá”, năm 2018, giá heo bắt đầu nhích lên thì lại xuất hiện bệnh lở mồm long móng rồi DTHCP vào quí I/2019 khiến những người chăn nuôi chúng tôi điêu đứng vì chưa kịp gỡ lại vốn. Ngoài chi phí về thức ăn, chúng tôi còn phải mua thêm thuốc khử trùng, tiêu độc, vôi bột để rắc xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Biết bao nhiêu chi phí nhưng heo thì vẫn không bán được vì giá quá rẻ”.
Không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng “choáng váng” khi giá thức ăn cứ tăng liên tục. Anh Mai Hữu Tiến - chủ một đại lý thức ăn gia súc trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, cho rằng: “Với giá đầu vào như hiện nay cộng thêm tình hình dịch bệnh khiến giá heo hơi tuột dốc, 10 người nuôi heo thì hết 8 người thua lỗ, trong đó không ít hộ phải đóng cửa trại để chuyển nghề. Người kinh doanh cũng “đau đầu” khi nhiều hộ nuôi không trả được tiền mua thức ăncho đại lý. Quí I/2019, đại lý của tôi giảm lợi nhuận khoảng 30%. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, tôi sẵn sàng cho các hộ chăn nuôi chậm hoàn trả tiền thức ăn để có vốn tái đàn sau khi dịch bệnh không còn xảy ra”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Hiện nay, người chăn nuôi không chỉ gặp khó khăn khi phải tập trung ứng phó với dịch bệnh mà còn trong khâu tiêu thụ. Mặc dù DTHCP không lây sang người nhưng nhiều người dân, các trường học vẫn e dè khi sử dụng thịt heo. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn, chúng tôi phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn về DTHCP và cách phòng, chống nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi, đồng thời, khuyến cáo người dân chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống để người dân không tẩy chay thịt heo”.
Lê Huỳnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.