Nguồn tin: Báo Cà Mau, 22/05/2019
Ngày cập nhật:
23/5/2019
Sau khi các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Hậu Giang xuất hiện dịch tả heo châu Phi, lập tức giá heo hơi tại khu vực này giảm khoảng 8 ngàn đồng/kg so tuần trước. Nguyên nhân là do người chăn nuôi lo ngại, bán tháo đàn heo để “chạy” dịch.
Vừa lo phòng dịch, vừa lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng rớt giá, anh Dương Minh Trung, hộ nuôi heo ở Phường 8, TP. Cà Mau, chia sẻ, trước thông tin dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, gia đình anh đang thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ chuồng trại cũng như theo sát mọi thông tin về diễn biến dịch tả heo châu Phi. Nhưng điều lo lắng là giá heo hơi liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 38-40 ngàn đồng/kg (giảm 5-8 ngàn đồng so với tuần trước). Nếu dịch bệnh tiếp tục lan nhanh như hiện nay thì giá heo trên thị trường sẽ còn lao dốc.
Theo anh Trung, Cà Mau là thị trường mở, có gần 80% lượng thịt heo tiêu thụ nhập từ các tỉnh khác nên khả năng lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Nhà nước nên có những phương án quyết liệt hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Ông Nguyễn Văn Thám, chủ thớt thịt sạch tại Phường 8, TP Cà Mau, kiến nghị: Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh rất quan trọng, nhưng nội dung phải chính xác để người tiêu dùng an tâm không quay lưng với thịt heo. Mấy ngày qua lượng thịt heo tiêu thụ chậm. Nhà nước cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ người chăn nuôi trong lúc khó khăn này.
Người chăn nuôi đã trải qua bao cơn khốn đốn chưa kịp phục hồi vì giá cả và dịch bệnh, nay lại đối mặt với loại dịch bệnh nguy hại làm chết 100% tổng đàn nếu bị nhiễm bệnh nên hiện bà con như "ngồi trên chảo lửa”, vừa lo sợ rớt giá, vừa lo dịch bệnh xảy ra. Cũng vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi đã bán tháo đàn heo, lợi dụng cơ hội này tư thương ép giá.
Trước tình hình dịch bệnh, tỉnh đã cấp 2.820 lít thuốc sát trùng và tuyên truyền ký cam kết tới 11.037 hộ chăn nuôi phòng chống dịch.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy nhận định, dịch tả heo châu Phi đang đứng trước nguy cơ lây lan nhanh, khó kiểm soát, bởi hiện nay tỉnh Cà Mau chỉ kiểm soát được ở 2 khâu là vận chuyển và giết mổ. Tuy nhiên, khâu giết mổ, ngành thú y hiện chỉ kiểm soát được khoảng 60% tại các lò giết mổ tập trung, số còn lại giết mổ nhỏ lẻ tại hộ gia đình thì không thể kiểm soát được. Vì vậy, ông Huy khuyến cáo, người chăn nuôi cần áp dụng "5 không": Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi không lây sang người, chỉ làm tổn hại nặng nề đến nền kinh tế. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt heo sạch bệnh, không nên "quay lưng" với thịt heo.
Theo ông Huy, do chưa có vắc xin ngừa, chưa có thuốc chữa khi heo mắc dịch bệnh này nên thời gian tới phải tập trung chặn dịch quyết liệt, nếu không sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Hiện tại, chỉ tính riêng số tiền Nhà nước hỗ trợ người nuôi ở 34 tỉnh, thành phố xảy ra dịch đã trên 1.700 tỷ đồng (chưa kể tiền mua hoá chất, công tiêu huỷ), đó là chưa nói đến yếu tố sau tiêu huỷ tác động đến môi trường... Điều này càng cho thấy tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh.
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh như hiện nay, ngày 14/5, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 1153-CV/TU về tăng cường lãnh đạo thực hiện phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Chỉ thị số 04 về việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào địa bàn tỉnh theo các văn bản chỉ đạo có liên quan của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch tả heo châu Phi vừa tổ chức chiều 15/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, các sở, ban, ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm kế hoạch ứng phó khẩn cấp theo Quyết định 379/QĐ-UBND ngày 13/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch tả heo châu Phi. Chỉ đạo các huyện thành lập ngay ban chỉ đạo, các xã phải có lực lượng túc trực thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra ở tất cả các trạm, chốt; Các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm làm từ thịt heo phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy xác nhận nguồn gốc sản phẩm hợp lệ, trước khi vào địa bàn tỉnh phải được khử trùng đúng quy định. Kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; Thu giữ, lấy mẫu các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, thịt đông lạnh, thịt tươi, giăm bông, xúc xích…
Tăng cường kiểm soát và hướng dẫn các địa phương kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo trên tất cả các tuyến đường vào địa bàn tỉnh. Khẩn trương rà soát, xác định các tuyến đường vận chuyển (đường bộ, đường sông, đường biển, đường nông thôn), qua đó đề xuất UBND tỉnh thành lập ngay các chốt kiểm soát đối với những tuyến có nhiều phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm heo nhập tỉnh. Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức chốt kiểm soát đối với các tuyến đường còn lại. Cung cấp đầy đủ hoá chất, thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Khi phát hiện có bệnh dịch tả heo châu Phi phải báo cáo ngay UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Dừng ngay việc vận chuyển và xử lý heo, sản phẩm từ heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến từ nơi đã được xác định có kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi theo đúng quy định./.
Hiện nay, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ở 34 tỉnh, thành với số lượng tiêu huỷ trên 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn heo toàn quốc. Đặc biệt, cả nước đã có 29 xã, thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch qua 30 ngày, công bố hết dịch, sau đó lại phát sinh heo bệnh, chết ở các hộ nuôi trong địa bàn cùng xã. Mới đây, tỉnh Hậu Giang xác nhận địa phương đã phát hiện 4 ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Đông Phú, Đông Thạnh, Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ. Tổng số heo mắc dịch tả phải tiêu huỷ là 225 con.
Trung Đỉnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.