Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 24/05/2019
Ngày cập nhật:
26/5/2019
Nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa lũ đến, thời gian qua, chính quyền và người dân xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả cao, trong đó, xây nhà chống lũ cho vật nuôi là mô hình được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng.
Hệ thống chuồng tránh lũ thiết kế vững chắc, hợp vệ sinh và có lối đi thuận tiện.
Toàn xã Phù Hóa (tỉnh Quảng Bình) hiện có khoảng 400 hộ dân tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm trước, địa phương chưa có mô hình chuồng chống lũ cho vật nuôi nên khi lũ tới, bà con phải đưa vật nuôi lên đồi cao, nếu không kịp di chuyển sẽ bị cuốn trôi, thiệt hại rất lớn.
Hiện tại, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố tránh lũ cho vật nuôi, giúp nhiều vật nuôi được an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất lượng vật nuôi bị trôi hay chết vì lũ.
Theo chân chị Hoàng Thị Thái Việt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) thôn Long Châu, xã Phù Hóa, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nghiêm, một trong những hộ mạnh dạn đi đầu vay vốn để xây chuồng chống lũ cho vật nuôi. Thoạt nhìn từ xa, khó ai có thể nghĩ rằng “ngôi nhà” cao ráo của gia đình ông Nghiêm lại là chuồng tránh lũ cho vật nuôi.
Ông Hoàng Văn Nghiêm hồ hởi chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần lũ về là cả nhà “chạy lũ”, nhiều tài sản và vật nuôi của gia đình tôi bị lũ cuốn đi hết. Năm 2019, tôi mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện vay 85 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng vượt lũ.
Theo tôi nghĩ, việc xây nhà chống lũ cho vật nuôi là điều rất cần thiết. Mỗi chuồng chống lũ tôi thực hiện theo đúng thiết kế mô hình, như: chiều cao phải đạt tối thiểu từ 2-2,5m tính từ mặt đất lên tới nền, rộng khoảng 15-20m2, được xây dựng vững chãi trên các trụ bê tông cốt thép.
Trên nhà vượt lũ có dự trữ đầy đủ cỏ khô, rơm rạ, thức ăn dành cho trâu bò, lợn, gà... trong những ngày nước lớn. Đối với các chuồng chống lũ, chi phí xây dựng khoảng 30 triệu đồng, còn những hộ chưa đủ điều kiện thì xây chuồng tầm 15-20 triệu đồng".
Cùng có chung suy nghĩ và quan điểm với gia đình ông Nghiêm, gia đình bà Đậu Thị Quế ở thôn Trường Xuân, xã Phù Hóa, cũng đã liên hệ vay vốn ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện 80 triệu để nuôi bò sinh sản và xây chuồng vượt lũ. Bà Quế cho hay, hệ thống chuồng tránh lũ được thiết kế phù hợp với điều kiện mô hình chăn nuôi của gia đình.
Cụ thể, khu vực chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ để tiện bố trí từng loại vật nuôi. Lối lên xuống cũng được đúc xi măng, thuận tiện cho người chăm sóc và di chuyển vật nuôi. Tất cả máng ăn, vòi nước và hệ thống vệ sinh chuồng trại được thiết kế bán tự động nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc gia súc, gia cầm khi mùa mưa lũ về.
“Mấy năm trước, khi chưa có chuồng cao tầng, chúng tôi không dám nuôi nhiều gia súc, gia cầm vì lo lũ lụt sẽ bị trôi hết. Bây giờ, không lo nhiều đến chuyện "chạy lũ" nên chúng tôi mạnh dạn nuôi nhiều hơn. Nếu bà con vùng lũ xác định chăn nuôi bền vững thì nên làm chuồng cao tầng tránh lũ cho an toàn”, bà Quế chia sẻ.
Thực tế cho thấy, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân vùng rốn lũ Phù Hóa đã mạnh dạn vay mượn để xây dựng nhà chống lũ phục vụ chăn nuôi.Chị Hoàng Thị Thái Việt, Tổ trưởng Tổ TK-VV thôn Long Châu, xã Phù Hóa, cho biết, cả xã Phù Hóa hiện có 220 hộ dân vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại tránh lũ cho vật nuôi.
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên khi thực hiện mô hình này, nhiều hộ dân không đủ kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng quy mô. Các tổ TK-VV ở cơ sở đã tích cực hỗ trợ các hộ dân trong quá trình giải ngân vốn nhằm giúp bà con xây dựng mô hình.
“Có thể thấy, việc xây dựng chuồng trại chống lũ cho vật nuôi ban đầu chỉ tự phát từ một vài hộ dân. Sau đó, bà con trong xã thấy được hiệu quả của mô hình, đồng thời được chính quyền địa phương động viên nhân rộng nên tích cực hưởng ứng, tạo thành phong trào. Đây là một mô hình hay và mang lại hiệu quả rõ rệt”, chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Hóa cho biết.
Hiền Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.