Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 28/05/2019
Ngày cập nhật:
30/5/2019
Con bò là tài sản lớn của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Mà để duy trì và phát triển đàn bò, thì việc không thể thiếu chính là nguồn thức ăn: rơm, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.
Mô hình ủ rơm của hộ anh Lê Quốc Danh ở ấp Vĩnh Khánh 1 (Vĩnh Xuân- Trà Ôn).
Báo cáo của huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) ở lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, đàn bò hiện đạt 29.466 con và đạt 95% kế hoạch năm. Các xã có số lượng bò phát triển khá là: Trung Hiệp, Quới An, Tân Quới Trung, Trung Thành. Theo đó, diện tích trồng cỏ nuôi bò là 778,6ha, trong đó, cỏ trồng dưới ruộng 138,9ha, cỏ vườn 639,7ha. Cùng với rơm, cỏ là nguồn thức ăn chính của con bò.
Ông Nguyễn Hữu Tài (Hai Tài, ấp Đức Hòa, xã Trung Thành Đông) nuôi bò hơn chục năm nay và hiện là một trong số ít hộ có đàn bò đông đúc trong xã. Rơm ông chất cây trong vườn- được mua chở về trữ sau mùa lúa.
Cùng cỏ, đây là nguồn thức ăn chính để duy trì và phát triển loài vật nuôi này. Cỏ thì có cỏ voi, cỏ sả, các loại cỏ ruộng... trong đó chủ yếu nhất vẫn là rơm sau mỗi vụ mùa và cỏ voi, cỏ sả.
Cạnh chuồng bò cũ lợp lá, cuối năm ngoái nhà ông Hai Tài đầu tư mở rộng chuồng để phát triển đàn, nuôi bò sinh sản và bán bê con. Ông nói khi chăn nuôi ông đã tranh thủ nguồn thức ăn tự nhiên (rơm, cỏ), chăm sóc đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và canh bò “lên giống” để có lứa bò con tốt.
Tại Trà Ôn, báo cáo lĩnh vực cơ cấu lại nông nghiệp cho thấy, đến nay ngành chức năng phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổng kết 19/19 mô hình, dự án từ nguồn vốn năm 2018 tỉnh đầu tư cơ cấu lại nông nghiệp và đã đánh giá hiệu quả kinh tế 14/19 mô hình. Còn 5 mô hình, dự án do thời gian thực hiện dài nên tiếp tục theo dõi.
Chuyện nuôi bò chỉ là một trong các mô hình, dự án nuôi trồng mà huyện đã và đang triển khai để nông dân sản xuất và tham gia cơ cấu lại nông nghiệp. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá cho nông dân.
Các mô hình, dự án nuôi- trồng như: bò, dê, gà, vịt siêu trứng, bồ câu Pháp sinh sản, trồng gừng, và nhất là “trồng cỏ nuôi bò thích ứng với biến đổi khí hậu”- cho thấy cây cỏ đã tham gia vào việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và “thời sự” hơn là thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Nhà ông Thạch Mực (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) có nuôi bò từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Hàng ngày, ông lấy việc trồng đám cỏ sau nhà, cắt cỏ bò ăn là niềm vui lao động tuổi già.
Đây là những con bò giống tuyển lựa, được ngành chức năng và chính quyền cấp cho ông cũng như các hộ khó khăn. Điều kiện là hộ chăn nuôi phải có điều kiện sản xuất- là cỏ vườn nhà. Bằng cách hỗ trợ bò để hộ nghèo, hộ khó khăn chăn nuôi, mô hình này góp phần để bà con vươn lên trong cuộc sống.
Trong năm 2019, huyện Trà Ôn tiếp tục phối hợp ngành chức năng tỉnh triển khai 2 mô hình dự án do tỉnh đầu tư, đó là mô hình trồng đậu nành rau an toàn sử dụng phân hữu cơ sinh học (1,5ha, kinh phí hơn 47 triệu đồng, thực hiện tại xã Tân Mỹ); mô hình thâm canh các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao (Ghine Mombasa và VA06) phục vụ phát triển chăn nuôi bò tỉnh Vĩnh Long (5ha, kinh phí hơn 63 triệu đồng, thực hiện tại 2 xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện). Ở đây, cũng cho thấy “bóng dáng” bò- rơm- cỏ trong cơ cấu nông nghiệp.
Nhiều địa phương trong định hướng chăn nuôi cho biết sẽ tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích theo hướng chăn nuôi trang trại và công nghiệp tập trung. Cùng với các vật nuôi khác, con bò vẫn là thế mạnh chăn nuôi ở các địa phương. Và chính vì vậy, cỏ, rơm- thức ăn chủ lực của đàn bò trong tỉnh vẫn được nông dân chú trọng tích trữ, gây trồng... để phát triển chăn nuôi.
Thân bắp được ủ mang lại giá trị dinh dưỡng không kém gì rơm.
Để giúp người chăn nuôi sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn. Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật ủ rơm và thân bắp làm thức ăn chăn nuôi, cho 30 hộ chăn nuôi bò tại huyện Trà Ôn.
Tham gia mô hình, anh Lê Quốc Danh (ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân) được hướng dẫn ủ cả rơm và thân bắp để làm thức ăn chăn nuôi, trong khi trước đây anh chỉ cho bò ăn cỏ và rơm khô. Cỏ ngày càng khó kiếm hơn nên anh cũng dự trữ rơm để cho bò ăn dần, vì vậy anh rất phấn khởi vì rơm ủ thì bò vẫn “ăn ngon” mà lại có lượng đạm tăng lên đáng kể và có thể dự trữ đến 7- 8 tháng, rất thuận lợi cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của TS Đoàn Đức Vũ- Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi, thời gian qua, một số tỉnh ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn. Ngoài Bến Tre và Trà Vinh có tổng đàn bò khá lớn, Vĩnh Long và Sóc Trăng cũng chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn thức ăn thô vẫn chưa được giải quyết một cách khoa học và bền vững.
Do đó, việc chủ động trồng cỏ thâm canh cũng như chế biến, bảo quản cỏ, rơm, phụ phẩm nông nghiệp là giải pháp mang tính chiến lược để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò thịt, dê, thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN- THÀNH LONG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.