Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 10/06/2019
Ngày cập nhật:
11/6/2019
Những ngày này, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình bà Cao Thị Thơm, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) giảm khoảng 50% lượng sản phẩm tiêu thụ so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến nay, không chỉ riêng các hộ chăn nuôi lợn mà nhiều công ty sản xuất, đại lý kinh doanh thức ăn gia súc cũng gặp khó khăn do lượng sản phẩm tiêu thụ sụt giảm đáng kể. Tiền nợ bán thức ăn gia súc cho người chăn nuôi lợn chưa thể thu hồi, trong khi các khoản lãi vay ngân hàng vẫn phải trả khiến nhiều đại lý lâm vào cảnh lao đao.
Mới đây, khi đến cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình bà Cao Thị Thơm, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là tình trạng ế ẩm, vắng khách. Bà Thơm chia sẻ: Kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã gần 20 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi như vậy. Có hộ dân trong xã, vừa mới hôm trước ra mua cám về chăn lợn, hôm sau đã thấy báo lợn bị chết cả đàn, phải đem đi tiêu hủy, chưa biết đến khi nào mới trả được tiền cám cho gia đình tôi. Ngoài ra, đối với các hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi thì phải rất lâu nữa mới được tái đàn, còn các hộ có lợn chưa bị nhiễm bệnh cũng chỉ chăn cầm chừng, vì vậy lượng sản phẩm tiêu thụ của cửa hàng nhà tôi sụt giảm đáng kể so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng nhà tôi bán được trên 20 tấn cám thì từ tháng 4-2019 trở lại đây, mỗi tháng chỉ bán được khoảng 10 tấn. Hiện nay, số nợ của các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã đối với cửa hàng nhà tôi đã lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn...
Không chỉ các đại lý, cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn mà hoạt động của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện cũng rất ảm đạm. Là đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô khá lớn, những ngày này, tại nhà kho của Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, ở phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) cũng không còn tấp nập xe cộ ra vào chở hàng như trước đây. Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Từ tháng 3 trở lại đây, lượng sản phẩm tiêu thụ các mặt hàng cám chăn nuôi của Công ty bị sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 70%. Thời điểm trước, mỗi ngày, Công ty xuất bán trung bình 50 tấn thức ăn chăn nuôi thì giờ chỉ bán được 12 tấn/ngày. Tương tự, tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển LCT Việt Nam, trụ sở tại xã Trung Thành (T.X Phổ Yên), khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, mỗi tháng, Công ty xuất bán được hơn 100 tấn thức ăn chăn nuôi các loại; giờ chỉ bán được khoảng 40 tấn/tháng. Nguyên nhân khiến sản lượng sụt giảm mạnh là do trước đây, lợn được giá, bà con tập trung đầu tư chăn nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra, ngoài số lợn nhiễm bệnh bị chết, các hộ có lợn chưa nhiễm bệnh cũng chỉ chăn cầm chừng hoặc bổ sung thêm thức ăn như cám gạo, rau… để giảm tối đa chi phí. Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cộng với chi phí mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng khiến Công ty cũng đang lâm vào cảnh lao đao.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có 15 công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và trên 200 cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này. Theo đại diện Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, lâu nay, các đại lý cám và hộ chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng cung ứng trước cám, đến khi xuất bán gia súc, gia cầm, bà con mới thanh toán tiền. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện làm cho các hộ chăn nuôi gần như cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến việc không thể trả nợ đúng hạn cho các đại lý. Trong khi các đại lý thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất thì thường phải thanh toán ngay khi nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần. Do vậy, một số đại lý đành phải khoanh nợ và không bán chịu thức ăn chăn nuôi nữa. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi công ty lại có giải pháp ứng phó riêng. Đơn cử như Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người chăn nuôi, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể như: hỗ trợ cho khách hàng với số tiền từ 10 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/bao cám tùy loại. Ngoài ra, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật đến các trang trại, gia trại tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách phòng trừ dịch bệnh, cách vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc để nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn và chưa thể tái đàn. Vì vậy, về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ khó khăn với bà con, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá bán sản phẩm, duy trì sức cạnh tranh. Cùng với đó, từng doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như cám gà, vịt, thủy sản… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Lương Hạnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.