Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 13/06/2019
Ngày cập nhật:
14/6/2019
Thú y viên cơ sở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu theo yêu cầu của người dân.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng, có ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C, là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo các cán bộ ngành chăn nuôi và thú y đánh giá: Mùa hè là mùa dễ phát sinh nhiều loại bệnh dịch trên đàn vật nuôi do thời tiết nóng, ẩm. Hiện nay, bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực để dập, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi thì cũng không thể chủ quan với các loại dịch bệnh khác của gia súc gia cầm như: Tụ huyết trùng, dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng, Newcastle, cúm gia cầm, bệnh dại… Do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh nên mối quan tâm của người chăn nuôi đang tập trung chủ yếu vào loại bệnh này. Các loại dịch bệnh khác dù đã có vắc xin phòng, chữa nhưng nếu chủ quan rất dễ bùng phát thành dịch. Bà Vũ Thị Hương Giang, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Phù Ninh cho biết: Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn người nuôi lợn các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cán bộ Trạm cũng tận dụng thời gian tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh khác. Cơ bản người chăn nuôi đã theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi thú y chủ động thực hiện tiêm phòng vắc xin cho các loại vật nuôi.
Nhận thức của nhiều người chăn nuôi trong việc chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước kia. Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: “Người chăn nuôi như chúng tôi xác định đàn vật nuôi là tài sản của mình, phải có trách nhiệm bảo vệ, không thể trông chờ vào Nhà nước mãi được. Vì thế, gia đình tôi và một số hộ quanh đây đều chủ động nhờ sự tư vấn của cán bộ thú y huyện để tiêm phòng các loại vắc xin phòng dịch, lắp thêm hệ thống quạt, dây phun sương để làm mát và thoáng khu vực chăn nuôi, giúp giảm nhiệt độ bên trong chuồng trại”.
Những năm gần đây, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi thường hay xuất hiện và bùng phát. Việc biến đổi khí hậu cũng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Theo đó, cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; chuẩn bị lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải. Đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần bổ sung đầy đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Tuyệt đối không thả trâu, bò từ 10 giờ đến 16 giờ trong những ngày nắng nóng nhiệt độ cao vì dễ bị cảm nóng, chết đột ngột. Tăng cường vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh trong mùa hè…
Đặc biệt, mùa hè là mùa bệnh dại trên đàn chó mèo dễ phát sinh trong khi tổng đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh là khá lớn (trên 250.000 con), đa phần tập trung ở nông thôn và được thả rông theo tập quán. Vì vậy, cán bộ các trạm chăn nuôi và thú y cũng tích cực vận động người dân tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho đàn chó mèo. Tuy nhiên, do giá vắc xin vẫn còn khá cao, từ 20.000 đồng đến 25.000/mũi nên một số hộ nuôi nhiều vẫn không tiêm hoặc chỉ tiêm 1 - 2 con/đàn khiến tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó mèo chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp “giải nhiệt” cho vật nuôi để tránh thiệt hại.
QUÂN LÂM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.