• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi chồn hương làm giàu

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 02/07/2019
Ngày cập nhật: 5/7/2019

Những năm gần đây, tại các tỉnh ÐBSCL, nhiều người dân đã chuyển dịch sang nghề nuôi động vật như: trăn, rắn, nhím, ba ba, cua đinh, cá sấu… Ðặc biệt, mô hình nuôi chồn hương đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, điển hình như ông Trần Văn Long, 51 tuổi, ở ấp Phước Chí A, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Trần Văn Long và con chồn hương đã thuần dưỡng.

Chồn hương có người còn gọi là cầy hương, cầy xạ (tên khoa học là Viverricula indica). Loại chồn này thịt rất thơm ngon, mềm và bổ dưỡng. Con trưởng thành nặng từ 3-5kg. Đặc biệt, chồn hương đực có tuyến xạ hương có vị cay và tính ấm, nhất là trong thời kỳ động đực nên được y học dân gian coi là một trong những dược liệu quý. Dân gian gọi là chồn hương, còn khi hộ nuôi đăng ký với kiểm lâm có tên là "cầy vòi hương".

Ông Trần Văn Long bắt đầu nuôi chồn hương từ năm 2016. Ông đã đầu tư trên 500 triệu đồng để mua con giống và xây chuồng trại. Theo ông chồn hương tuy là động vật hoang dã nhưng rất dễ thuần hóa, cách chăm sóc cũng đơn giản vì ít khi bị dịch bệnh. Tuy nhiên, muốn nuôi chồn cho sinh sản không đơn giản. Người nuôi phải có kinh nghiệm, hiểu rõ tập quán sinh trưởng của chúng, nhất là khâu chọn giống, chọn thức ăn và chuồng trại phải đúng quy cách. Thời gian đầu nuôi động vật hoang dã, ông Long thất bại vì hầu hết vật nuôi đều bị viêm đường tiêu hóa do thức ăn chưa phù hợp. Sau một thời gian rút kinh nghiệm, ông đã tìm tòi, nghiên cứu thay đổi thức ăn và thường xuyên tiêm chủng, chồn mới phát triển nhanh chóng. Phần đông người nuôi chồn đều cho ăn trái cây, tôm, cá… nên dễ bị bệnh đường ruột. Riêng ông cho chồn ăn thức ăn viên mỗi ngày 1 lần vào lúc 16 giờ. Ngoài ra ông còn cho chúng ăn thêm chuối chín để giúp cho bộ lông mượt mà. Đặc biệt chồn sinh sản ông cho ăn thêm cá trê con để tăng thêm nguồn năng lượng.

Chồn hương nuôi trong chuồng có lưới bao.

Lúc đầu ông Long chỉ thả nuôi vài chục con, sau tăng dần, hiện ông đang sở hữu 47 con cái, 5 con đực và hàng trăm con chồn con. Cũng theo ông Long, muốn cho chồn hương tăng đàn nhanh, đạt năng suất cao, trước hết chuồng trại phải cao ráo, yên tĩnh, nhất là nên tránh chỗ mưa tạt gió lùa. Về chuồng nuôi, hiện nay mỗi người mỗi cách khác nhau, có người xây bằng gạch, tráng xi măng, có người làm chuồng cây, nhưng xung quanh phải bao lưới chắc chắn. Điều quan trọng là diện tích chuồng phải rộng, thoáng để giúp cho chồn bố mẹ vận động. Càng vận động chồn càng khỏe, đẻ nhiều, đẻ sai và nuôi con an toàn hơn là nhốt trong những chiếc lồng nhỏ hẹp và tăm tối. Theo ông Long chuồng trại là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho chồn đẻ. Hiện trang trại của ông chỉ rộng 100m2, nhưng bố trí thành 10 chuồng xi măng và 10 chuồng cây, giúp cho đàn chồn phát triển dễ dàng và thuận lợi.

Chồn con nuôi sau 6 tháng có thể bán thịt, còn muốn nuôi đẻ phải mất trên 1 năm mới bắt đầu giao phối. Chồn cho ăn đầy đủ, nuôi đúng kỹ thuật mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 6 con. Sau khi sinh con, chồn mẹ tự cho con bú. Sau 60 ngày tuổi, người nuôi có thể tách con ra nuôi riêng. Giá bán chồn thương phẩm hiện nay từ 1,5-1,7 triệu đồng/con. Đặc biệt, chồn cái đang trong thời kỳ sinh sản có giá trên 20 triệu đồng/con. Khách hàng đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Huế là nhiều nhất… Theo tính toán, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm ông còn lời từ 200-300 triệu đồng.

Ngoài sản xuất kinh doanh, ông còn tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, thu mua chồn con của các hộ nuôi nhỏ lẻ về thuần dưỡng theo cách riêng của ông. Nhờ vậy mà người nuôi chồn yên tâm không sợ đầu ra bị gặp khó.

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước, huyện Mang Thít, cho biết: Mô hình nuôi chồn hương của ông Long đạt hiệu quả kinh tế cao là nhờ con giống tốt, chuồng trại xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và được chăm sóc kỹ lưỡng.

Bài, ảnh: Thành Hiệp

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang