• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai: Ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhập trang trại lớn

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 05/07/2019
Ngày cập nhật: 8/7/2019

Toàn tỉnh hiện có 33 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố xảy ra dịch tả heo châu Phi (ASF) với gần 47 ngàn con heo bị tiêu hủy. Trong đó, các địa phương mới xuất hiện dịch là: Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Một hộ chăn nuôi ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại để phòng dịch tả heo châu Phi

Nguy hiểm hơn là dịch ASF đã lây lan sang các trang trại chăn nuôi lớn với quy mô hàng chục ngàn con.

* Ổ dịch quy mô lớn

Với trên 16 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch ASF, Vĩnh Cửu là địa phương đứng đầu của tỉnh bị thiệt hại. Tiếp đến là huyện Trảng Bom với gần 7,6 ngàn con bị tiêu hủy. Nguyên nhân có sự thiệt hại lớn này là do dịch ASF đã xâm nhập vào những trang trại lớn.

Cụ thể, ổ dịch ASF đã xuất hiện tại trang trại của Công ty chăn nuôi Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) có tổng đàn gần 20 ngàn con. Đây là ổ dịch có quy mô lớn nhất nước tính tới thời điểm hiện nay. Do tổng đàn quá lớn nên ngay sau khi phát hiện dịch xảy ra, Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn để bàn phương án xử lý.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN CHÁNH, hiện tổng đàn heo của toàn tỉnh đã giảm còn khoảng 2,1 triệu con, giảm hơn 400 ngàn con so với tổng đàn trước khi xảy ra dịch ASF. Tuy nhiên, các địa phương cần tiếp tục vận động người chăn nuôi giảm đàn qua việc khuyến khích xuất heo đủ tuổi tiêu thụ; không nên nhân giống, tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi phát hiện 150 con heo của Công ty chăn nuôi Phú Sơn dương tính với dịch ASF, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành tiêu hủy ngay toàn bộ 650 con heo gồm số heo bị bệnh và toàn bộ số heo cùng dãy chuồng với những con heo bệnh. Do trang trại của công ty này được nuôi ở các dãy chuồng riêng biệt, ngăn cách bằng những lối đi nên số heo khỏe mạnh được giữ lại để tiếp tục theo dõi.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho biết: “Để bảo vệ số heo không bị bệnh tại các trang trại xuất hiện ổ dịch, chúng tôi tổ chức sát trùng, rải vôi hằng ngày; liên tục giám sát huyết thanh hoặc sẽ lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm ngay khi phát hiện heo có biểu hiện bất thường. Cấm triệt để việc vận chuyển heo từ trang trại ra bên ngoài. Với việc phòng chống nghiêm ngặt này đã giúp bảo vệ số heo khỏe còn lại tại những ổ dịch lớn. Cụ thể như ổ dịch tại trại Hoa Phượng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đã qua 2 tháng và hiện số heo còn lại vẫn an toàn”.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cảnh báo: “Nguy cơ dịch ASF xâm nhập vào các trại chăn nuôi lớn còn rất cao vì việc chủ động phòng chống dịch của các chủ trại vẫn rất kém. Hiện toàn tỉnh có trên 1,7 ngàn trang trại lớn nhưng rất ít trang trại thực hiện tốt an toàn sinh học - biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại dịch ASF hiện nay. Nếu để dịch lan rộng vào các trang trại lớn sẽ gây thiệt hại rất nặng nề”.

Chỉ ra sự bị động của các trang trại lớn cả trong công tác phòng và xử lý khi dịch xảy ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cảnh báo, dịch ASF đang lây lan và còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp vì đang vào mùa mưa trong khi dịch lại lây lan nhanh qua nguồn nước. Điều đáng báo động là công tác phòng dịch của các trại chăn nuôi lớn cũng còn rất kém. Họ vẫn sử dụng nguồn thức ăn dư thừa; để cỏ mọc lan vào cả khu vực chuồng heo; chưa tuân thủ quy định tiêu hủy...

* Tổng lực ứng phó

Đến nay, huyện Nhơn Trạch đã công bố hết dịch ASF. Nhưng tốc độ lây lan dịch ASF trên địa bàn tỉnh vẫn quá nhanh dù Đồng Nai đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp phòng chống.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương nhận xét, hiện chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ của huyện cho người chăn nuôi đã lên đến 9,2 tỷ đồng. Nguyên nhân lây lan chủ yếu là các trang trại sử dụng nguồn thức ăn thừa cho cá ăn. Trại heo lạnh quy mô lớn tại địa phương bị lây dịch là do lây từ nguồn nước ao cá gần ngay trại nuôi heo. Ngoài ra, có tình trạng vận chuyển heo, thịt heo chết, mỡ động vật từ nơi khác về. Cụ thể, gần đây, cơ quan chức năng đã bắt được 3 trường hợp vận chuyển mỡ, nội tạng động vật, heo chết. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch lây lan.

“Khó khăn là những trường hợp vi phạm trên địa phương chỉ mới xử lý hành chính vì họ thường vận chuyển với quy mô nhỏ. Tôi kiến nghị các huyện có dịch phải thực hiện tốt việc ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ heo bệnh” - ông Phương nói.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện hầu hết các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi heo đều còn nợ ngân hàng và người thân do ảnh hưởng của đợt giá thấp vào đầu năm 2018 và ngay sau đó là dịch tả heo châu Phi không ngừng lan rộng. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các trang trại và hộ chăn nuôi. Trong đó, đối tượng được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay là các trang trại, hộ chăn nuôi đã bị dịch tả heo châu Phi; những trang trại có đàn heo nuôi chưa đến tuổi xuất bán để chủ trại có điều kiện tiếp tục duy trì đàn cung ứng cho thị trường trong thời gian tới...

Chỉ ra sự nguy hại khác trong công tác phòng, chống dịch, bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom dẫn chứng: “Có trường hợp xảy ra dịch, chủ trại nuôi đem heo chết rải ra khắp các ô chuồng không bị dịch để cả đàn được hỗ trợ. Có trường hợp họ không chăm sóc heo nữa mà cứ để cho heo chết dần khiến công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn”.

Ngoài ra, tại các trang trại chăn nuôi thường có rất nhiều chuột, trại có ổ dịch bị tiêu hủy hết kho cám thì những con chuột này tỏa đi các trang trại khác tìm thức ăn cũng là nguyên nhân chính khiến dịch lây lan.

Với tinh thần huy động tổng nguồn lực để xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm trong công tác phòng, chống dịch ASF, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nêu rõ, các địa phương phải đôn đốc, tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện ngay việc dọn vệ sinh, sát trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh, đường đi; ngăn chặn, cách ly mọi nguồn lây lan từ chuột, ruồi và các vật nuôi khác; tăng cường xử lý, diệt virus dịch tồn tại trong nước; các trại lớn phải chủ động xây dựng phương án cách ly heo bệnh để tránh lây lan ra cả đàn heo. Trên cạn, cần tăng cường các trạm kiểm soát và công tác kiểm soát lưu động việc vận chuyển, tiêu thụ heo; mỗi ấp, xã đều tổ chức 1 tổ phản ứng nhanh trong công tác dập dịch, tiêu hủy heo.

“Các trang trại, hộ nuôi xảy ra dịch do sử dụng nguồn thức ăn dư thừa; không thực hiện nghiêm công tác phòng dịch; không tuân thủ quy định tiêu hủy, cách ly heo bệnh hoặc phòng dịch theo kiểu đối phó, gây lây lan dịch sẽ không được nhận hỗ trợ. Lực lượng công an cũng phải tích cực vào cuộc, đưa ra xử lý hình sự những vi phạm lớn trong vận chuyển, tiêu thụ heo bệnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cả nước hiện có 61/63 tỉnh, thành xuất hiện dịch ASF với khoảng 3 triệu con bị tiêu hủy. Diễn biến của dịch vẫn hết sức phức tạp, nguy cơ tiếp tục lây lan theo diện rộng, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị vào mùa nước ngập.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang