• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đến mô hình chăn nuôi bền vững

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/07/2019
Ngày cập nhật: 9/7/2019

Thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn gặp khó khăn khi giá cả sụt giảm, nhất là dịch bệnh trên đàn heo lan rộng gây thiệt hại lớn. Các ngành chức năng đang quyết tâm tái cơ cấu ngành chăn nuôi để phát triển ổn định, đáp ứng tình hình mới.

Nuôi heo theo quy mô công nghiệp của Công ty C.P Việt Nam, mô hình mà nông dân ĐBSCL cần liên kết để hướng tới.

Người chăn nuôi gặp khó

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có đàn heo lớn nhất ở ĐBSCL và chăn nuôi heo là thế mạnh của nhiều địa phương ở đây. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 42.688 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó hộ gia đình chiếm tỷ lệ hơn 94%, số lượng heo chiếm 58%; cơ sở nuôi quy mô từ 50 con trở lên chiếm tỷ lệ gần 6%, số lượng heo chiếm 42%. Dù nuôi heo có từ lâu đời nhưng hiện tại nhiều hộ kêu than bởi dịch bệnh làm ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Long, nuôi heo lâu năm ở huyện Chợ Gạo, bộc bạch: “Hồi đầu năm giá heo tương đối tốt nên người nuôi có lãi, tuy nhiên gần đây bị dịch tả heo châu Phi làm cho giá giảm nên người nuôi gặp khó”.

Cùng nỗi lo trên, không ít hộ nuôi heo ở Đồng Tháp cũng mất ăn mất ngủ. Ông Lê Văn Hưng, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, trăn trở: “Dù đã hàng chục năm trong nghề, nhưng càng lúc thấy việc nuôi heo rất rủi ro bởi dịch bệnh và giá cả lên xuống bất thường”. Do gia đình sản xuất bột nên mỗi năm ông Hưng nuôi hàng trăm con heo thương phẩm và hàng chục con heo giống. Song, việc có khi lời, có khi lỗ vẫn thường xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Đông, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), băn khoăn: “Còn nhớ những tháng đầu năm 2017, giá heo hơi giảm thê thảm và khó tiêu thụ dù ngành chức năng phát động nhiều đợt “giải cứu”, nhưng người nuôi vẫn bị lỗ từ 6.000-12.000 đồng/kg. Năm 2018, nhiều hộ chăn nuôi nỗ lực gầy lại đàn heo và giá có cải thiện; song, niềm vui chưa duy trì được lâu thì nay nghề nuôi heo lại bị bệnh dịch tả châu Phi bao trùm, đẩy người nuôi rơi vào khốn đốn”.

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh lây lan nhanh và số lượng heo phải tiêu hủy ngày càng nhiều. Hiện các tỉnh vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa nhanh chóng hỗ trợ giúp người nuôi giảm bớt thiệt hại. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh này phối hợp với các địa phương tập trung phòng bệnh cho số lượng heo khỏe mạnh còn lại. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không nên tái đàn khi chưa công bố hết dịch bệnh.

Tại An Giang, người chăn nuôi heo cũng khó khăn vì dịch bệnh và rất lo lắng trước những rủi ro của nghề này. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện cố gắng hạn chế lây lan và phát sinh những ổ dịch mới; đồng thời tuyên truyền để người dân không vội tái đàn ở thời điểm dịch bệnh còn phức tạp, nhằm tránh nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra…

Nhiều hộ ở ĐBSCL chuyển sang mô hình nuôi gà theo quy mô trang trại.

Cần chuyển đổi mô hình nuôi mới

Chăn nuôi heo là nghề truyền thống lâu đời và là sinh kế của không ít hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại và chậm chuyển đổi. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng: “Là địa phương có số lượng đàn heo lớn nhất khu vực ĐBSCL, nhưng thực trạng chăn nuôi vẫn đa phần nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu kết nối với thị trường… Vì vậy, chi phí giá thành trong chăn nuôi còn khá cao. Bên cạnh đó, giá cả lên xuống không ổn định, dịch bệnh thường xảy ra, khiến đàn heo của tỉnh từ hơn 700.000 con trước đây, nay giảm khá nhiều”.

Tại Đồng Tháp, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này cũng thừa nhận: “Nhiều bất lợi đang vây quanh nghề nuôi heo. Lúc cao điểm, Đồng Tháp có khoảng 600.000 con heo, nhưng giờ đây chỉ còn hơn 200.000 con và nếu dịch bệnh còn kéo dài thì nguy cơ đàn heo tiếp tục giảm”. Cũng theo ông Hiền, thực trạng chăn nuôi hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu, chậm ứng dụng mô hình mới, công nghệ cao… Nguyên nhân, do chi phí đầu tư lớn, trong khi người dân nuôi dạng hộ gia đình nên không theo nổi. “Nếu đầu tư hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn, nuôi quy trình công nghệ cao, con giống và thức ăn được kiểm soát chặt chẽ… thì với số lượng nuôi vài trăm con heo đã ngốn hàng tỉ đồng, số tiền trên nông dân không lo được. Do đó, nhiều hộ ở Đồng Tháp vẫn tự nuôi heo nái để nhân giống, sản xuất bột nhằm lấy phụ phẩm nuôi heo… Chủ yếu là lấy công làm lời, chứ không thể đầu tư mô hình mới toàn bộ được, bởi thiếu lực”, chị Dương Thị Bé, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Tình hình khó khăn này thì đàn heo không tăng, mà tiếp tục giảm. Hiện Kiên Giang còn khoảng 200.000- 300.000 con heo, về cơ bản không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của tỉnh; nhất là 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải gần như nhập toàn bộ heo từ đất liền đưa ra. Thời gian qua, tỉnh cũng khuyến khích người dân nuôi công nghệ cao, công nghệ sinh học, an toàn… nhưng sự chuyển biến còn chậm; đến nay chỉ có khoảng 22 cơ sở nuôi trang trại. Đối với những hộ không tiếp tục nuôi heo thì các địa phương hỗ trợ chuyển sang nuôi vịt chạy đồng, bởi Kiên Giang có nhiều diện tích lúa”. Ở các tỉnh khác, dự báo đàn heo sẽ giảm và gà, vịt, bò… là những vật nuôi được khuyến cáo chuyển đổi theo điều kiện phù hợp từng nơi.

Về lâu dài, các tỉnh ĐBSCL tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp (gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ), giảm dần nuôi nhỏ lẻ; đồng thời xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp. Các nhà chuyên môn lưu ý nên phát triển chăn nuôi chuỗi giá trị, liên kết những nông hộ vào tổ hợp tác hoặc HTX nhằm thuận lợi trong hỗ trợ vốn, đầu tư thức ăn, con giống, chăm sóc, tiêu thụ… Trong quá trình hợp tác cần phát huy vai trò doanh nghiệp, các hiệp hội… nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, cắt giảm các khâu trung gian, đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời điều tiết tốt cung cầu thị trường… Có như vậy, nghề chăn nuôi mới giảm rủi ro và hướng tới bền vững.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, đối với những hộ nhỏ lẻ, thiếu vốn nuôi heo… thì cần vào tổ hợp tác để liên kết với các doanh nghiệp; trong đó có Công ty C.P Việt Nam nhằm được công ty cung cấp con giống đầu vào, thức ăn, vắc-xin, kỹ thuật… và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Điều này tạo sự an tâm cho người chăn nuôi heo bởi giảm thiểu rủi ro. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín, theo quy trình trang trại, công nghiệp, quy mô lớn. Đồng thời, là giải pháp phù hợp mà nông dân chăn nuôi ở ĐBSCL cần hướng tới không chỉ trong nuôi heo, mà cho cả những mô hình chăn nuôi khác.

HƯNG TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang