• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Hướng đến xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững nghề nuôi ong mật

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 08/07/2019
Ngày cập nhật: 10/7/2019

Hỗ trợ Nhóm hộ/Tổ hợp tác phát triển bền vững nghề nuôi ong mật, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm mật ong, cung cấp thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng, xây dựng bao bì nhãn mác, xây dựng nhãn hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thu nhập cho người sản xuất mật ong; thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ manh mún, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sang sản xuất theo nhóm hộ (liên kết sản xuất), sản xuất hàng hóa có nhãn hiệu/thương hiệu, minh bạch thông tin sản phẩm là một trong những hoạt động khuyến nông Lào Cai đang tích cực triển khai thực hiện.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ 2 xã: Xuân Quang, Phong Niên (huyện Bảo Thắng) thực hiện mô hình “Nuôi ong mật chất lượng cao” thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018”. Quy mô thực hiện mô hình là 200 đàn ong nội/10 hộ tham gia. Thông qua mô hình, các hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống vật tư; cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và giám sát các hộ thực hiện mô hình đảm bảo theo quy trình kỹ thuật thực hành chăn nuôi ong tốt, an toàn (VietGAHP).

Đến nay, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất 18,28 kg/đàn/năm (cao hơn đối chứng 2,28 kg/đàn/năm), thu nhập 2,66 triệu đồng/đàn/năm. Một lao động có thể nuôi 100 đàn ong, do đó thu nhập có thể đạt 200-250 triệu đồng/năm. Các hộ nuôi ong thuộc mô hình cơ bản đã thành thạo kỹ thuật, có tay nghề, tạo ra sản lượng mật ong ổn định, chất lượng cao, an toàn, hướng đến các tiêu chuẩn VietGAP. Cũng chính từ mô hình, nhiều hộ dân tại 2 xã Xuân Quang, Phong Niên (huyện Bảo Thắng) đã tiếp tục mở rộng quy mô nghề ong. Tuy nhiên, sản phẩm mật ong cần được xây dựng nhãn hiệu, có tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, công bố chất lượng mật ong, tạo niềm tin tới người tiêu dùng. Do đó năm 2019, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tiếp tục tư vấn, hỗ trợ người nuôi ong xây dựng nhãn hiệu, hoàn thiện sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị thu nhập và phát triển bền vững nghề nuôi ong mật.

Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai đang triển khai các bước nhằm duy trì và phát triển sản phẩm mật ong của địa phương

Trại ong mật của gia đình anh Cao Văn Chiến, thôn Nậm Dù là một trong những cơ sở nuôi ong có quy mô lớn nhất của xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Với 700 đàn ong ngoại và 300 đàn ong nội, mỗi năm trại ong của anh Chiến thu hoạch khoảng 6.000 lít mật, mang lại nguồn thu ổn định vài trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, cho dù chất lượng mật ong có đảm bảo nhưng thiếu đi nhãn mác, bao bì sản phẩm đã ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình anh Chiến. Anh Chiến chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong. Vì vậy rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm mật ong nơi đây được vươn xa hơn nữa".

Tại xã Xuân Quang, mỗi hộ gia đình có từ vài chục đến vài trăm đàn ong, thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lít mật mỗi năm, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Do chưa có tem nhãn nên dù chất lượng mật tốt nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường. Ông Mai Văn Trường, thôn Hang Đá, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết thêm: "Nếu có chứng nhận của các cơ quan chức năng thì tôi tin chắc rằng mật ong của chúng tôi sẽ được nhiều khách hàng tin dùng, bán sẽ dễ hơn bây giờ".

Nhằm tìm ra giải pháp để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững nghề nuôi ong mật trên địa bàn, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã cùng các nhóm hộ nuôi ong ở Xuân Quang và Phong Niên họp bàn về việc thành lập tổ hợp tác nuôi ong mật chất lượng cao, triển khai xây dựng tem nhãn thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong của địa phương. Chính quyền và nhân dân kì vọng việc có được tem nhãn, có truy xuất nguồn gốc sẽ là điều kiện thuận lợi để nông dân Xuân Quang tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng các cơ sở nuôi ong, tập trung sản xuất mật chất lượng cao cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Ông Phạm Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi luôn vận động người dân chăn nuôi an toàn, chất lượng, vì vậy chúng tôi tuyên truyền để người dân nuôi ong thành lập các nhóm và tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng mật ong Xuân Quang để sản phẩm phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân".

Hiện xã Xuân Quang đang duy trì trên 2.000 đàn ong mật, tập trung ở các nhóm hộ tham gia mô hình nuôi ong mật chất lượng cao do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh triển khai năm 2019. Bên cạnh đó, còn một số hộ gia đình nuôi ong với quy mô nhỏ. Năm 2018, sản lượng mật ong của xã Xuân Quang đạt trên 17.000 lít, với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/lít, nghề nuôi ong đã mang lại thu nhập tương đối ổn định cho bà con nhân dân. Do đó với hướng đi đúng đắn mà khuyến nông Lào Cai đã và đang thực hiện sẽ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong địa phương, đồng thời đóng góp vào thành công trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại địa phương./.

Thanh Lê

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang