Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 10/07/201
Ngày cập nhật:
11/7/2019
Việc tiêu hủy heo bệnh vẫn còn nhiều khó khăn về nhân công, vị trí hố chôn, chi phí phát sinh.
Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang lây lan nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp. Dù ngành chức năng và người dân đã quyết liệt thực hiện các biện pháp dập dịch, song việc chống dịch vẫn còn gặp không ít khó khăn. Dù vậy, ý thức của người dân trong mùa dịch đã được nâng lên đáng kể.
Chống dịch khó nhiều bề
Theo BCĐ Phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, Vĩnh Long là tỉnh nhạy cảm nhất vùng, với tổng đàn heo nhiều nhất với gần 370.000 con. Trong đó, có 125 trang trại chăn nuôi, 236 gia trại, 9.950 hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều cơ sở thu gom, nhập, xuất heo. Từ tháng 2/2019 đến nay tỉnh Vĩnh Long đã nhập về gần 100.000 con heo.
Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- cho hay huyện có tổng đàn heo trên 7.600 con, trong đó có 235 con heo rừng, có 40 hộ sử dụng thức ăn cặn. Các hộ chăn nuôi heo ở huyện đều là nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học còn nhiều khó khăn. Nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi phần lớn là nước kinh, rạch. Đa số chuồng trại của các hộ chăn nuôi còn đơn giản chưa cách ly được với động vật khác.
“11/46 hộ có heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi có sử dụng thức ăn thừa, bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu làm lây lan dịch bệnh là nguồn nước và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của người dân chưa đảm bảo”- ông Bùi Văn Ngọc thông tin thêm.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cũng bày tỏ: Vũng Liêm tiếp giáp với nhiều cửa ngõ các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh nên công tác kiểm soát dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc đào hố, vận chuyển heo đến nơi xử lý cũng gặp khó do trọng lượng heo nặng, tốn nhiều nhân công. Đối với những hộ chăn nuôi không có đất chôn heo tiêu hủy, BCĐ phải di chuyển xa để tiêu hủy.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết: Thời gian qua, các ngành chức năng đã tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển heo trái phép, vận chuyển heo bệnh, tăng cường theo dõi giám sát lâm sàng đối với đàn heo, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo trái phép, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, là heo xuất phát từ các tỉnh trong nước đã và đang có bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Tính đến ngày 5/7, toàn tỉnh đã có 164 hộ chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi của 98 ấp- khóm thuộc 42 xã của 8 huyện- thị- thành trong toàn tỉnh. Đến nay số heo đã tiêu hủy 5.945 con, với trọng lượng trên 411 tấn. Riêng tại Phường 8 (TP Vĩnh Long) đã tái phát ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi lần 2.
Không chủ quan, giấu dịch
Theo ngành chức năng, bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh, khi heo nhiễm bệnh sẽ chết 100%. Tuy nhiên, người chăn nuôi có ý thức cao trong phòng chống dịch, khi heo có dấu hiệu nhiễm bệnh, người chăn nuôi đã chủ động thông báo với ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Có cả “gia tài” hơn 20 con heo bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi, ông Lê Văn Ẩn (ấp Phước Thới B, xã Bình Phước- Mang Thít) cho hay: “Dù rất tiếc vì toàn bộ tài sản đã bỗng chốc biến mất nhưng ngay khi phát hiện ra đàn heo có con bị bệnh, gia đình tôi đã lập tức báo cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết luận đàn heo bị bệnh, tôi cũng hợp tác với cơ quan chức năng để tiêu hủy, mong dịch bệnh không lây lan thêm sẽ ảnh hưởng đến các hộ nuôi xung quanh”.
Nằm trong vùng dịch tả heo Châu Phi nên cô Trịnh Thị Hai (xã Chánh Hội- Mang Thít) đang rất lo lắng và cũng tích cực thực hiện các biện pháp tiêu độc sát trùng để phòng bệnh dịch. Cô Hai cho hay: “Từ lúc nghe dịch bệnh, ngày nào tôi cũng phun hóa chất tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào, mình phải có ý thức tự bảo vệ tài sản của gia đình mình trước”.
Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi bệnh dịch tả heo Châu Phi cần có sự hưởng ứng tốt của người chăn nuôi.
Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, nhiều hộ dân đã thực hiện tốt những hướng dẫn của ngành chuyên môn như: áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt heo chết ra môi trường).
Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng, hạn chế ra vào khu vực nuôi, không tăng đàn và tái đàn trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tốt “5 không”. Vận động người dân không quay lưng với thịt heo, cần tiếp tục sử dụng thịt heo sạch, an toàn, vì sức khỏe của gia đình và sự ổn định của ngành chăn nuôi.
Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi- cho rằng thời gian tới công tác phòng chống phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, tái phát, nhất là trường hợp dịch bệnh tràn vào các hộ, cơ sở chăn nuôi lớn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các biện pháp phòng, chống và xử lý ổ dịch đã được ngành chuyên môn thực hiện: Tiêu hủy heo, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp, lập các chốt kiểm soát xung quanh các ổ dịch. Điều tra ổ dịch, đánh giá và xác định nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh tại hộ chăn nuôi. Tổ chức các cuộc hội nghị cấp huyện triển khai thực hiện công tác phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp chống dịch, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và dịch tễ tại khu vực xung quanh ổ dịch, tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi an toàn sinh học.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.