Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 09/07/2019
Ngày cập nhật:
11/7/2019
Đến nay, dịch tả heo châu Phi lan rộng ra tất cả 62 tỉnh, thành cả nước, hơn 3 triệu con heo đã bị tiêu hủy. Do đó, nguồn cung thịt heo sẽ thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới. Các chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng, cần tăng đàn một số loại vật nuôi khác, nhất là gia cầm để bù đắp nguồn thịt heo.
Theo khuyến cáo, đây là thời điểm thời tiết diễn biến thất thường, bà con chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ và bổ sung vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để giảm nguy cơ dịch bệnh trong đàn gia cầm. Trong ảnh: Nông dân tại ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu cho gà ăn.
Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, nguồn thịt heo tại thị trường BR-VT chủ yếu được cung cấp bởi các trang trại chăn nuôi nội tỉnh. Hơn 1 tháng trở lại đây, dịch tả heo châu Phi xuất hiện và đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt heo trong thời gian tới. Qua khảo sát, tổng đàn heo hiện nay đã giảm 30-40 ngàn con, chỉ còn khoảng 370-380 ngàn con. Ngoài ra, dịch tả châu Phi cũng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung heo giống. Do đó, kể cả khi dịch tả heo châu Phi đã được khống chế thì khả năng để người chăn nuôi tăng đàn trở lại cũng rất khó khăn. Điều này làm dấy nên lo ngại nguồn cung thịt heo không chỉ thiếu trong thời gian ngắn mà còn kéo dài.
Theo các khảo sát gần đây, trong cơ cấu sử dụng các sản phẩm thịt của người dân thì thịt heo chiếm tới 60-70%, 25% là thịt gia cầm, còn lại là gia súc khác… Nhìn vào cơ cấu này và trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn heo, các chuyên gia cho rằng, việc tăng đàn gia cầm để bù đắp cho nguồn cung thịt heo là xu hướng phù hợp trong thời điểm này.
Theo đó, các địa phương cần định hướng cho hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà, vịt để lấy thịt. Các loại gia cầm có đặc điểm là thời gian nuôi ngắn nên có thể tăng sản lượng nhanh nhất. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, đa số các trại nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm, trong đó chủ yếu chuyển sang nuôi gà, vịt theo hướng công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Lan (ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) vừa tăng đàn từ gần 3 ngàn con gà lên 5 ngàn con cho biết: “Khoảng vài tháng trở lại đây, giá gà tăng mạnh lên mức 55-57 ngàn đồng/kg, gà mái 65-67 ngàn đồng/kg nên cho lãi khá. Nhờ giá tăng, tôi thu lãi trên 20 triệu đồng/1 ngàn con/lứa. Tôi kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, giá gà sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao”.
Trong khi đó, tổng đàn vịt trên địa bàn tỉnh cũng đang có xu hướng tăng đột biến do giá cao, khi người dân lựa chọn loại thực phẩm này thay cho thịt heo tăng lên. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng đàn vịt tăng lên khoảng gần 1,7 triệu con, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thương lái thu mua vịt tại trang trại khoảng 55 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg so với tháng trước.
Ông Giao Văn Sỹ nhận định: Thời điểm này nếu số lượng đàn gia cầm của tỉnh có tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu thị trường thì nguy cơ gây ra hệ quả xấu như mất cân đối cung cầu cũng khó xảy ra. Tuy nhiên, đây đang là đầu mùa mưa, thời tiết thất thường nên đàn gia cầm rất dễ mắc bệnh. Khi tăng đàn vào thời điểm này, bà con cần chú ý đến chất lượng con giống và chăm lo tốt vệ sinh chuồng trại, chú trọng tiêm phòng đầy đủ để tránh nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, các trang trại cũng nên tận dụng thời điểm giá các loại gia cầm ở mức cao, lợi nhuận ổn định để đầu tư áp dụng công nghệ và các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của loại sản phẩm này.
Bài, ảnh: QUANG VINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.