Nguồn tin: Báo Cao Bằng, 10/07/2019
Ngày cập nhật:
15/7/2019
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương về địa hình, diện tích tự nhiên, thời gian qua nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Hoà An (tỉnh Cao Bằng) phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung với mô hình nuôi ong lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện có từ lâu, nhưng chủ yếu tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình. Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít chịu rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất sẵn có và tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 hộ nuôi ong lấy mật với tổng số trên 800 đàn, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt.
Hoàng Tung là địa phương dẫn đầu toàn huyện về nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế, mô hình này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Ông Lý Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tung cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi ong lấy mật với trên 600 đàn ong; hộ nhiều nhất nuôi 70 đàn, hộ ít nhất nuôi 5 đàn.
Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi… Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng quy trình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Với giá thị trường dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm, các hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là một trong những hộ nuôi ong hiệu quả, có mức thu nhập khá. Năm 1995, ông bắt đầu nuôi ong lấy mật, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chưa mạnh dạn đầu tư mà chỉ nuôi thí điểm 3 đàn ong mật. Sau đó, ông tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong ở địa phương cũng như một số tỉnh lân cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, đàn ong của ông phát triển theo từng năm.
Đến nay, gia đình ông có 70 đàn ong lấy mật. Trung bình mỗi năm, gia đình thu gần 600 - 800 lít mật ong, thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ bán mật ong, gia đình ông Tuyến cũng có một nguồn thu đáng kể từ việc bán ong giống. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông từng bước vươn lên trở thành hộ khá, điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.
Ông Tuyến chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề.
Để hỗ trợ người nông dân có thêm kiến thức trong quá trình nuôi ong lấy mật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong Việt Nam tổ chức tập huấn quy trình nuôi ong lấy mật cho nhân dân 2 xã Hồng Việt, Hoàng Tung.
Qua lớp tập huấn, người dân có thể hiểu rõ hơn đặc tính của các loài ong mật ở nước ta, lợi ích của việc nuôi ong, một số đặc điểm sinh học ong mật, các dụng cụ nuôi ong, cách bắt ong tự nhiên về nuôi, trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ thuật nuôi ong lấy mật trong thùng hiện đại, cách tiếp cận đàn ong, kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong, cây nguồn mật, phấn nuôi ong, vai trò của cây mật, phấn đối với nghề nuôi ong, thu hoạch mật, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ…, từ đó vận dụng vào thực tiễn phát triển đàn ong của gia đình, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những kết quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra một hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật đa số là phát triển tự phát, nhỏ lẻ.
Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, giúp người dân phát triển kinh tế.
Hà Thu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.