• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Sơn (Lạng Sơn): Triển vọng kinh tế từ nuôi thỏ

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 15/07/2019
Ngày cập nhật: 16/7/2019

Với nhiều ưu điểm như: vốn đầu tư ít, không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, quay vòng vốn nhanh…từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã đầu tư nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hoàng Thanh Hồng, thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn cho biết: Qua tìm hiểu trên tivi, báo, đài và đi thực tế một số mô hình, năm 2016, tôi quyết định mua 4 con thỏ giống (3 thỏ nái, 1 thỏ đực) về nuôi. Vừa làm, vừa học hỏi thêm, sau thấy thỏ sinh sản rất nhanh, chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn cũng không lớn, tôi quyết định mở rộng quy mô chuồng. Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 300 con thỏ thịt có những thời điểm không đủ cung cấp cho thị trường. Để nâng cao thu nhập, tôi còn chăm sóc thỏ giống để bán giống cho bà con. Từ đó, bình quân tôi có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Người dân thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn chăm sóc đàn thỏ

Tương tự gia đình ông Hồng, năm 2017, ông Dương Văn Hiệu, thôn Hữu Vĩnh 1, xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn bắt đầu nuôi thử nghiệm 13 thỏ nái. Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy nuôi thỏ có tiềm năng phát triển tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, tăng đàn đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 100 thỏ nái và hơn 1.000 thỏ thịt. Trung bình mỗi tháng xuất bán thỏ thịt và thỏ giống, trừ chi phí tôi thu lãi từ 12-15 triệu đồng. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô chuồng trại và trồng thêm một số loại rau, cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ.

Tìm hiểu được biết, từ một vài hộ nuôi thỏ ban đầu, nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã học hỏi và lựa chọn nuôi thỏ để phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng đàn thỏ của toàn huyện hơn 6 nghìn con (lớn nhất trong toàn tỉnh), được nuôi tập trung ở một số xã như: Vũ Sơn, Vũ Lăng, Trấn Yên, Hưng Vũ, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn, Tân Lập, Đồng Ý, Nhất Hòa…Trung bình mỗi hộ nuôi từ 100 – 400 con, chủ yếu là giống thỏ New zeaLand.

Trò chuyện với ông Hoàng Văn Trọng, thôn Pác Nàng, một trong những hộ nuôi thỏ đầu tiên của xã Trấn Yên, được biết: Thỏ là loài vật dễ nuôi, nếu nuôi ít có thể tận dụng nguồn thức ăn rau, cỏ tại chỗ, kết hợp với cám, ngô. Sau khi nuôi từ 3 đến 3,5 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg và có thể xuất bán với giá bình quân 70 – 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 50 – 60 nghìn đồng/con. Đặc biệt, thỏ đến tuổi sinh sản cứ sau 30 – 35 ngày sẽ đẻ một lứa, mỗi lứa trung bình từ 7 – 8 con. Thỏ cũng ít bị bệnh, quan trọng nhất chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo. Đồng thời, người nuôi phải chú ý tách thỏ mới sinh với thỏ mẹ để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho thỏ con; tiêm phòng đúng giai đoạn; giữ ấm chuồng trại về mùa đông, thoáng mát trong mùa hè…

Hiện nay, nuôi thỏ có đầu ra khá ổn định khi thương lái ở các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định…trực tiếp thu mua. Đặc biệt, bên cạnh việc mua thỏ sống, thương lái còn đặt các hộ nuôi thỏ thịt sẵn, cấp đông để xuất bán cho họ vì nhu cầu của các nhà hàng hiện nay là rất lớn.

Ông Vy Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bắc Sơn đang tập trung phát triển các sản phẩm cây, con chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, đối với ngành chăn nuôi, ngoài phát triển chăn nuôi đại gia súc trâu bò nhốt chuồng thì qua thực tế sản xuất và nhu cầu thị trường, từ năm 2016 đến nay, một số hộ trên địa bàn huyện đã phát triển nuôi thỏ và có hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tế đó, cùng với những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng và các tổ chức chính trị – xã hội của huyện đã và đang khuyến cáo bà con duy trì và phát triển chăn nuôi thỏ. Đặc biệt là tuyên truyền, định hướng bà con phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt là góp phần đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng thời điểm hiện nay.

NGUYỄN PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang