Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 18/07/2019
Ngày cập nhật:
20/7/2019
Được hình thành và phát triển cách đây hơn 20 năm, với sự năng động, linh hoạt của người dân, nhiều gia đình ở xã Bạch Lưu (Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã đầu tư xây dựng chuồng trại ấp trứng rắn, từng bước chủ động nguồn giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân trên địa bàn.
Anh Vũ Văn Kiên, thôn Hồng Sen, xã Bạch Lưu đầu tư xây dựng chuồng ấp nở trứng rắn với quy mô vài nghìn con
Theo tìm hiểu, nghề nuôi rắn ở xã Bạch Lưu (Sông Lô) trước đây chỉ được coi là nghề phụ, người dân tranh thủ những lúc nông nhàn tăng gia sản xuất thêm thu nhập nên quy mô chăn nuôi chỉ từ vài chục đến vài trăm con rắn/hộ gia đình. Dần dần, do nhu cầu thị trường về nguồn rắn thương phẩm và trứng rắn tăng cao, giá bán rắn thương phẩm và trứng rắn cũng tăng mạnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và nâng quy mô đàn rắn từ vài chục, vài trăm con lên đến vài nghìn con.
Là một trong những hộ chăn nuôi rắn với số lượng lớn tại thôn Hồng Sen, anh Vũ Văn Kiên cho biết: “Khởi nghiệp nuôi rắn từ năm 2006, thời gian đầu, tôi đến tận Móng Cái - Quảng Ninh, giáp ranh vùng biên giới để tìm mối tiêu thụ. Tuy nhiên, quá trình đi lại vất vả song cũng không hiệu quả, mấy năm trở lại đây, tôi chủ yếu nhập giống, thức ăn và bán rắn thương phẩm, trứng rắn cho các thương lái ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)”.
So với các loài vật nuôi khác thì rắn là con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, không tốn thời gian, nhân lực chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để rắn sinh trưởng và phát triển tốt, hệ thống chuồng nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Hiện nay, với hơn 400m2 chuồng trại, gia đình anh Kiên đang nuôi trên 1.000 con rắn thương phẩm và rắn bố mẹ. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường vài nghìn trứng rắn và hàng chục tấn rắn thương phẩm, thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.
Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong xã đã học cách làm theo, từ đó,nghề nuôi rắn phát triển nở rộ, tập trung nhiều ở 2 thôn Hùng Mạnh và Xóm Làng. Với gần 10 năm nuôi rắn bố mẹ, bà Vũ Thị Hồi, thôn Xóm Làng cho biết: “Năm 2008, thấy các hộ trong thôn nuôi rắn hiệu quả, tôi cũng mày mò học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu nuôi thử vài chục con. Qua quá trình nuôi, nhận thấy chăm sóc rắn khá đơn giản, tranh thủ thời gian nông nhàn mà nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn rắn lên gần 400 con rắn bố mẹ, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả chăn nuôi rắn trên địa bàn, ông Trần Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu cho biết: Chăn nuôi rắn là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ nuôi rắn mà nhiều hộ dân thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Nếu như năm 2011, toàn xã có khoảng 90 hộ nuôi rắn thì đến nay, số hộ nuôi rắn đã lên tới hơn 200 hộ. Đặc biệt, năm 2015, thôn Hùng Mạnh được công nhận làng nghề và năm 2017, thôn Xóm Làng cũng được công nhận làng nghề như một động lực thúc đẩy người dân phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Mấy năm trở lại đây, với sự năng động, linh hoạt của người dân, nhiều hộ chăn nuôi rắn trên địa bàn xã đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đổi mới kỹ thuật chăm sóc để ấp nở trứng rắn, từng bước chủ động nguồn rắn giống phát triển chăn nuôi của gia đình và cung cấp cho người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đem lại, hiện nay, người chăn nuôi rắn ở Bạch Lưu đang gặp một số khó khăn về đầu ra vì thị trường tiêu thụ bị động, không ổn định, giá rắn thương phẩm, trứng rắn lên xuống thất thường, lúc cao điểm hơn 1 triệu đồng/kg rắn thương phẩm, trứng rắn 80 nghìn đồng/quả, nhưng hiện nay rắn thương phẩm chỉ khoảng 500 nghìn đồng/kg, trứng rắn loại 1 khoảng 40.000 đồng/1 quả. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng đắn đo trong việc mở rộng quy mô, số lượng.
Để phát triển làng nghề, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn về kiến thức nuôi rắn cũng như các mô hình cây, con khác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng mong các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân làng nghề nuôi rắn ở Bạch Lưu phát triển.
Bài, ảnh Hồng Tính
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.