Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 22/07/2019
Ngày cập nhật:
26/7/2019
Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, vài năm trở lại đây người dân địa phương đã phát triển có hiệu quả nghề nuôi dê núi, góp phần tăng thu nhập.
Có được lợi thế là địa hình đồi núi đá rộng, vài năm trở lại đây nhân dân xã Vũ Muộn đã phát triển có hiệu quả nghề nuôi dê núi.
Anh Đinh Quang Mẫn ở thôn Choóc Vẻn là một trong những hộ nuôi nhiều dê ở xã Vũ Muộn. Giữa trưa, thời tiết khá oi bức, theo chân anh Mẫn chúng tôi vượt qua dãy núi đá tai mèo sắc nhọn đến thăm chuồng nuôi dê của gia đình. Khu nuôi dê nằm trên một ngọn núi đá có nhiều mỏm đá to với 2 chiếc lán tạm được quây bằng thân cây, nền ván, mái phủ bạt. Anh Mẫn cho biết: Nghề nuôi dê đã theo gia đình gần chục năm nay. Ngày trước cuộc sống thiếu thốn, nguồn thu nhập hạn hẹp, làm nhiều thứ mới đủ ăn. Nuôi dê đã góp phần giúp cho cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Mỗi năm gia đình anh được bán hơn 10 con dê thịt với giá dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, thu về khoảng 20 triệu đồng.
Những hộ nuôi dê ở xã cho biết, khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất hợp chăn nuôi dê, có diện tích đồi núi đá rộng, có nơi chăn thả, khe nước. Bản tính giống dê ưa sạch nên núi đá càng cao, càng tách biệt dê càng thích. Người nuôi dê chỉ cần bỏ vốn ban đầu mua con giống, còn quá trình phát triển dê chủ yếu dựa vào đồi núi, thức ăn chủ yếu là từ cây cỏ tự nhiên, không cần đầu tư nhiều vào chuồng trại. Ở đây phần lớn người dân đều nuôi dê theo hình thức bán chăn thả, sáng lùa đàn dê lên núi, chiều tối lùa dắt đàn về chuồng. Dê cũng là loài sinh sản nhanh, tính trung bình, mỗi con dê cái 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa được 1-2 con, bà con chủ yếu bán dê đực còn dê cái được giữ lại để tái đàn. Các thương lái rất ưa chuộng dê núi ở Vũ Muộn vì dê nuôi hoàn toàn bằng lá cây rừng, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, nuôi dê không phải lúc nào cũng thuận lợi, người nuôi cũng phải đối mặt với khó khăn khi đàn dê bị dịch bệnh như chướng bụng, xù lông, lở mồm long móng… vì vậy cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý.
Hiện nay, ở xã Vũ Muộn có gần 700 con dê tập trung chủ yếu ở các thôn Choóc Vẻn (230 con), Tốc Lù (180 con), Còi Có (120 con) và rải rác tại một số thôn khác. Dê mà người dân Vũ Muộn nuôi chủ yếu là giống địa phương có lông màu vàng nâu hay loang đen, trắng. Giống dê này chỉ nặng khoảng 20-30kg/con. Từ chăn nuôi dê mà nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi năm.
Đồng chí Đàm Thị Hành- Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn chia sẻ: Tận dụng đồi rừng, núi đá người dân đã phát triển chăn nuôi dê núi mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay diện tích chăn thả tại xã đang dần bị thu hẹp; nguồn giống dê bà con nuôi lâu năm có hiện tượng thoái hóa, còi cọc, chậm lớn, dễ mắc bệnh; giá dê có nhiều biến động… khiến đàn dê tại xã đang có xu hướng giảm. Tổng đàn đến thời điểm hiện tại chỉ đạt gần 700 con, giảm hơn 400 con so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch đề ra. Nhiều hộ dân chăn nuôi dê đang tự thay đổi con giống hoặc chuyển sang loại hình chăn nuôi khác.
Là gia đình có truyền thống nuôi dê lâu năm trong xã, ông Dương Đức Tròn, thôn Tốc Lù cho biết: Gia đình nuôi dê từ năm 2011, có thời điểm tổng đàn lên đến 120 con. Trước đây, mỗi năm đều đặn ông có 30-40 triệu đồng tiền bán dê thịt. Tuy nhiên, do giống dê ta nuôi lâu ngày phát triển đàn không còn tốt như trước nữa nên mới đây, ông đã bán hết đàn dê, tiến hành trồng gần 1ha cỏ voi và một số loại cỏ khác dành cho chăn nuôi để tiến hành nuôi trâu, bò, dự kiến cuối năm nay sẽ mua giống dê lai về nuôi nhốt.
Vũ Muộn là vùng đất có khí hậu tương đối khắc nghiệt, gây khó khăn cho một số cây trồng phát triển. Với những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê, nghề nuôi dê núi được đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp và đã gắn bó với bà con ở hầu hết các thôn hàng chục năm nay, đem lại thu nhập khá cho người dân. Thay vì tự phát như trước thì giờ đây việc phát triển đàn dê đã được đưa vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm… Bởi vậy thiết nghĩ các cấp, ngành cần đẩy mạnh xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đàn dê ở Vũ Muộn. Mong muốn của người dân là được ngành chức năng phối hợp tuyển chọn giống dê tốt, kháng bệnh, chất lượng thương phẩm tốt; tiếp tục tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh cho dê; có thêm các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng đàn; liên kết với các cơ sở để tiêu thụ dê thương phẩm cho bà con… để người dân an tâm phát triển tổng đàn, nâng cao thu nhập./.
Lường Loan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.