Nguồn tin: Hà Nội Mới, 26/07/2019
Ngày cập nhật:
27/7/2019
Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, không những người chăn nuôi thiệt hại mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng sụt giảm doanh số. Nhiều đại lý lao đao bởi không đòi được nợ mà vẫn phải trả khoản lãi vay ngân hàng để duy trì hoạt động…
Theo ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Quang (huyện Chương Mỹ), nếu trước đây, mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 tấn thức ăn chăn nuôi thì nay giảm, chỉ còn khoảng 1.500-1.800 tấn/tháng. Để kích cầu, công ty đã hạ giá bán 5.000-10.000 đồng/bao nhưng tiêu thụ vẫn kém. Do đó, công ty sản xuất cầm chừng, bán đến đâu sản xuất đến đó nhằm tránh bị tồn kho và thua lỗ…
Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: Thái Hiền
Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Đan Phượng cho biết, khi chưa có dịch, mỗi tháng đại lý bán được khoảng 100 tấn, có tháng 120 tấn; nay chỉ còn 50-60 tấn. Phần lớn các hộ chăn nuôi mua chịu, quay vòng 4-6 tháng, khi bán đàn lợn mới trả tiền. "Số tiền hộ chăn nuôi nợ đại lý khoảng 1,5-2 tỷ đồng, chiếm 30% số vốn hoạt động của đại lý. Do nợ cũ vay ngân hàng chưa trả hết, đại lý phải vay thêm 100-200 triệu đồng với lãi suất khoảng 0,8%/tháng, thậm chí là vay lãi cao bên ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh..." - bà Hạnh lo lắng nói.
Theo ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; còn lại 180 doanh nghiệp của Việt Nam. Khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 30-50%, các đại lý rơi vào cảnh lao đao, đóng cửa hoặc bán cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu do các đại lý và người chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng cung ứng trước - thu tiền sau (khi xuất bán lợn).
Thời gian tới, theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, người chăn nuôi chưa hết khó khăn, chưa thể tái đàn khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá bán sản phẩm. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm như cám gà, vịt, thủy sản... cho phù hợp với cơ cấu chuyển đổi chăn nuôi hiện nay.
Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Quân - chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Luân Hương (huyện Ba Vì) cho rằng, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi hoặc khoanh nợ, giãn nợ cho các đại lý trong thời gian chờ thu hồi nợ đọng từ người chăn nuôi…
Để khắc phục khó khăn và dần ổn định thị trường, theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn cần thực hiện theo chuỗi khép kín, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, hạn chế nguyên liệu nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện về vốn hoặc giãn nợ cho các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giúp họ duy trì hoạt động.
NGỌC QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.