• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Hộ chăn nuôi heo gặp khó vì giá xuống thấp

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 26/07/2019
Ngày cập nhật: 27/7/2019

Sau đợt khủng hoảng giá kéo dài từ năm 2017, 2018, người chăn nuôi heo tiếp tục thua lỗ do dịch bệnh lở mồm long móng. Mới đây vài tháng, giá heo rục rịch lên được trên dưới 4 triệu đồng/tạ, nhiều hộ chưa kịp lấy vốn thì dịch tả heo châu Phi (DTHCP) ập đến. Lâm vào hoàn cảnh chung của cả nước, người chăn nuôi heo cũng đang rơi vào khó khăn.

Chăm sóc đàn heo trước dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Thạch Thảo

Ảnh hưởng đời sống người dân

Ông Nguyễn Văn Chờ - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - nơi xảy ra DTHCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh, cho hay: Hiện nay, xã còn đọng lại một số đàn heo chuẩn bị xuất chuồng. Xã đã hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi liên hệ cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm DTHCP, tạo điều kiện cho các hộ buôn bán bình thường. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến kinh tế, đời sống người dân, đặc biệt là công tác giảm nghèo của xã. Trên địa bàn có 203 hộ chăn nuôi heo, tổng đàn là 7.113 con, tập trung tại ấp 1A, 2A và Ấp 3.

“Số lượng đàn heo tăng lên nhiều trong thời gian gần đây một phần là do giá dừa không ổn định, người dân phải tìm cách để nuôi xen, nuôi thêm, với mong muốn góp phần tăng thêm hiệu quả trên cùng diện tích đất canh tác. Dịch bệnh đến đang làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân, đặc biệt là việc đóng góp thực hiện các phong trào tại địa phương...”, ông Chờ nói thêm.

Vừa qua, địa phương tích cực tuyên truyền bà con phối hợp với cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có giấy xét nghiệm âm tính với DTHCP thì vẫn xuất chuồng, trong thời gian 10 ngày. Chi phí lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTHCP dưới 100 con là 1,188 triệu đồng. Đối với hoạt động bán lẻ thịt heo ngoài chợ, thịt heo có giấy xét nghiệm âm tính với DTHCP thì vẫn được buôn bán bình thường. Chính quyền địa phương cũng có vận động người dân không nên quay lưng với thịt heo sạch.

Ông Nguyễn Văn Chờ cũng cho biết, tình hình thương lái ép giá người chăn nuôi đang xảy ra trên địa bàn xã. “Hiện thương lái mua giá bằng giá Nhà nước hỗ trợ. Như vậy, người nuôi heo lỗ trên dưới 1 triệu đồng/tạ. Thời điểm này, người dân đang tiếp tục liên hệ cơ quan thú y để lấy xét nghiệm rất nhiều”, ông Chờ nói.

Lo thương lái “đạp giá”

Hiện nay, người chăn nuôi heo phần lo sợ dịch bệnh đến bất kỳ lúc nào, phần lo sợ bị thương lái tùy tiện “đạp giá”. Giá heo hơi trên thị trường thời điểm đầu tháng 7-2019 có giá 3,1 - 3,4 triệu đồng/tạ, nhưng sau khi xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông, thương lái lập tức hạ giá còn ngoài 2 triệu đồng/tạ, bằng với mức giá mà chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tiêu hủy heo bị dịch bệnh.

Sau khi công bố dịch bệnh và có một số phải tiêu hủy, thì có khoảng 18 ngàn hộ chăn nuôi cũng đang rơi vào tình trạng “chết đứng” chẳng khác nào những hộ có heo bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy. Những hộ chăn nuôi dù heo chưa bị dương tính với DTHCP và heo đã vô tạ, nhưng giá ngày càng rớt xuống thê thảm vẫn phải tốn các chi phí thức ăn, chăm sóc…

“Từ khi có DTHCP, ngoài cung cấp xét nghiệm âm tính với DTHCP, thương lái heo còn đòi hộ nuôi cung cấp giấy xét nghiệm lở mồm long móng, nếu không có thì trừ 20 ngàn đồng/con. Tại sao trước đây không đòi giấy này, hộ nuôi tiêm phòng chứ không lưu giữ giấy nên bây giờ yêu cầu thì lấy đâu mà đưa. Điều này cũng không đúng vì bệnh lở mồm long móng đã qua lâu rồi”, ông Nguyễn Văn Ân ở xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc bức xúc.

Ông Ân cho rằng, hộ nuôi bị thương lái lợi dụng “cơ hội” DTHCP, làm người nuôi hoảng sợ, để ép giá heo hơi. “Như trường hợp của tôi, lúc giá heo ngoài thị trường đang 3,2 triệu đồng/tạ. Nghe tôi kêu bán, lái trả chỉ còn 2,9 triệu đồng. Lái đặt cọc 4 ngày mới bắt. Thời gian này, một số xã tung tin có dịch, thương lái lập tức “đạp xuống” còn 2,3 - 2,4 triệu đồng. Trong khi thịt heo ngoài chợ không có xuống giá”, ông Ân tâm sự.

“Thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống nhưng dịch đã xảy ra ở nhiều địa bàn. Nếu như không có giải pháp đồng bộ thì sẽ còn tiếp tục lây lan. Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm công tác phòng chống dịch. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Những hộ chăn nuôi xảy ra DTHCP đều hủy hết đàn heo, thiệt hại kinh tế rất lớn. Tới đây, nếu như dịch xảy ra nhiều nơi thì khả năng chôn lấp heo bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, mong các địa phương hết sức quyết tâm trong công tác phòng chống dịch, không để phát sinh những ổ dịch mới”. (Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang