Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 30/07/2019
Ngày cập nhật:
31/7/2019
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi và vận dụng kinh nghiệm được tích lũy mà trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Anh Đào, trú tại khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) vẫn đứng vững giữa “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi và đều đặn xuất bán những lứa lợn giống khỏe mạnh ra thị trường…
Trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung
Trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung do chị Đào làm giám đốc được xây dựng từ tháng 2/2016 trên nền đất rộng khoảng 2 ha ở thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh với tổng số vốn 15 tỉ đồng. Đến tháng 12/2017, trang trại đi vào hoạt động. Chị Đào cho hay, trang trại của chị áp dụng quy trình nuôi khép kín hoàn toàn và ứng dụng công nghệ cao bằng hệ thống chuồng lạnh, phòng lạnh. Tất cả các phòng đều được sắp xếp khoa học và lắp đặt hệ thống làm lạnh, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm luôn ổn định. Thức ăn cho lợn cũng được bảo quản trong kho lạnh. Ngoài ra, trang trại của chị còn lắp đặt hệ thống phun thuốc sát khuẩn, khử trùng bằng máy tự động hoàn toàn. Đàn lợn nái và lợn giống được nằm trên hệ thống chuồng nhựa, không tiếp xúc với nền xi măng. Trong trang trại, có 2 chuồng hậu bị (nuôi lợn nái), 1 chuồng đẻ, 1 chuồng tách con, 1 chuồng lợn đực và 1 phòng hấp tinh. Chất thải chăn nuôi được xử lí bằng chế phẩm sinh học EM rồi bán cho Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm. Nước thải được xử lí qua hệ thống 3 ngăn sau đó dùng làm nước tưới cho cây trồng tại công ty. “Mọi sinh hoạt của công nhân đều diễn ra trong trang trại. Nguồn thực phẩm mà công nhân sử dụng mỗi ngày đều tự cung tự cấp, rau xanh trồng trong trang trại, thịt lợn từ trang trại nên luôn đảm bảo sạch. Nếu có người đi ra hay vào trong trang trại đều phải qua phòng xử lí sát khuẩn, khử trùng rất kĩ càng. Ngay cả tôi là giám đốc mà cũng phải hạn chế ra vào trang trại”, chị Đào nói.
Trang trại của chị Đào có 6 công nhân, gồm 1 kĩ sư chăn nuôi, 2 thú y, 3 lao động phổ thông. Mọi việc tại trang trại đều được kĩ sư chăn nuôi này điều hành, quản lí. “Người ngoài không thể tùy ý vào bên trong và người bên trong thì hạn chế tối đa ra bên ngoài trang trại. Trong chuồng trại, 1 ngày xử lí tiêu độc khử trùng 2 lần, ngoài chuồng trại cũng vậy. Bên cạnh đó, xung quanh trang trại cũng được phun thuốc khử trùng. Nhờ chú trọng công tác khử trùng, vệ sinh nên đàn lợn mấy trăm con luôn khỏe mạnh và ổn định”, chị Đào tự tin.
Khi được hỏi về nguồn gốc đàn lợn nái thì chị Đào thông tin rằng, chị cùng với người kĩ sư chăn nuôi phải ra tận Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, trụ sở ở tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra, chọn giống và thức ăn rồi nhập về. “Bình thường mỗi năm, trang trại của tôi nuôi khoảng 300 con lợn nái (đàn lợn nái một năm đẻ 2,5 lứa). Vì đợt này có dịch bệnh nên giảm lại còn 150 con. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 4.500 con lợn giống ra thị trường. 6 tháng đầu năm 2019, tôi xuất bán 2.500 con lợn giống ra thị trường trong tỉnh và Quảng Bình. Lợn mẹ và lợn con đều được tiêm vắc xin theo quy định nên nguồn giống luôn đảm bảo, tỉ lệ sống đạt 100% và sức đề kháng cao. Vì vậy, khách hàng rất tin tưởng và ưa chuộng lợn giống từ trang trại của tôi. Bình thường, tôi xuất bán lợn giống với giá 1,2 triệu đồng/con (trung bình 1 con nặng 7kg), đặc biệt, có lúc giá cao lên 1,4 triệu đồng/con. Từ khi bị dịch tả lợn Châu Phi đến nay, giá sụt xuống còn 1 triệu đồng/con, trong khi giá thị trường khoảng 600-700 ngàn đồng/con”, chị Đào kể. Doanh thu trung bình 1 năm từ trang trại của chị trên 4,5 tỉ đồng, chưa trừ chi phí. Sau khi trừ chi phí, chị Đào thu lãi ròng gần 2 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại này.
Theo chị Đào, sắp tới sẽ xây dựng thêm 4 trang trại nuôi lợn thịt sạch để cung ứng cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chị cũng mong muốn chính quyền, ban, ngành các cấp hỗ trợ về mặt pháp lí, vốn vay ưu đãi. Đặc biệt trong tương lai gần, Công ty TNHH Một thành viên QT Hùng Dung sẽ sản xuất viên nén hữu cơ cung ứng ra thị trường. Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao giải cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. Trong đó, dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thông qua tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ” của chị Đào đã lọt vào tốp 16 dự án xuất sắc nhất để trao giải.
Dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ” của chị Đào ra đời từ thực tiễn chăn nuôi. Trước thực tế lượng phân chuồng thải ra hằng ngày rất lớn, nếu không được xử lí sẽ gây ô nhiễm môi trường nên năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, chị đã thực hiện thành công dự án tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Trần Tuyền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.