Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 30/07/2019
Ngày cập nhật:
1/8/2019
Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào tháng 10- 2017, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận đã khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường cả nước.
Người tiêu dùng ngày càng thích sử dụng thịt cừu Ninh Thuận, khiến cho giá mặt hàng này tăng mạnh. Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá cừu hơi hiện nay đạt ngưỡng 115 ngàn đồng/kg, tăng 35 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái, đang mở ra cơ hội cho các hộ chăn nuôi tăng đàn. Để phát triển nghề nuôi cừu bền vững, ngành chức năng, các địa phương đang tập trung hỗ trợ nông dân cải tạo chất lượng đàn, gắn với quy hoạch vùng trồng cỏ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa năm 2019, tổng đàn cừu trên toàn tỉnh khoảng 88.000 con. Chăn nuôi cừu đang ngày càng phát triển theo hướng hình thành các trang trại tập trung gắn với du lịch. Đặc biệt, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đang có xu hướng phát triển mạnh, với một số doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư con giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Các hoạt động liên kết chăn nuôi cừu cũng đã mở rộng thị phần thịt cừu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ tính riêng Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín đã đầu tư con giống, thức ăn gia súc cho hàng trăm hộ chăn nuôi mở rộng chuồng trại, tăng đàn, đưa nghề nuôi cừu trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Vùng nuôi cừu tập trung ở thôn An Hòa, xã Xuân Hải (Ninh Hải). Ảnh: Anh Tùng
Việc ngành NN&PTNT chủ trương phát triển nuôi cừu theo chuỗi giá trị đã khắc phục được những bất cập về chăn nuôi nhỏ, lẻ thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ. Các mô hình liên kết với doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả đã giúp các hộ chăn nuôi không phải qua khâu trung gian để bán sản phẩm, lợi nhuận vì thế cao hơn. Nghề nuôi cừu đang phát triển lên tầm cao mới khi gần đây có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ nông dân xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển ngành nuôi cừu tỉnh theo hướng bền vững. Các chính sách hỗ trợ nông dân nuôi cừu, hỗ trợ triển khai các mô hình chuyển giao khoa học và công nghệ vào chăn nuôi, đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường được thực thi có hiệu quả. Những điểm sáng về hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung dần khắc phục được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm thịt cừu.
Thành quả đạt được là vậy, tuy nhiên theo đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngành nuôi cừu đang bộc lộ những hạn chế như nông dân ít quan tâm cải tạo đàn, nâng cao chất lượng giống. Năm 2004, tỉnh thực hiện Chương trình lai tạo đàn cừu, qua đó đã nhập 30 con cừu đực giống có nguồn gốc từ Úc về lai tạo với cừu địa phương đã nâng cao được khả năng cho thịt và khả năng sinh trưởng. Cừu lai với ưu điểm không kén thức ăn, được chăn thả ngoài tự nhiên góp phần làm cho chất lượng thịt có sự khác biệt so với thịt cừu ở các tỉnh khác, tạo nên danh tiếng sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận. Thế nhưng, do quá trình tiến hóa lâu dài, cùng với tập tục chăn thả ngoài tự nhiên, đàn cừu tự do giao phối, dẫn đến tình trạng trùng huyết, làm cho mức độ tăng trọng của cừu giảm. Để nâng cao chất lượng cừu, trong đợt hạn hán khắc nghiệt vào năm 2015 - 2016, ngành NN&PTNT hướng dẫn nông dân phương pháp cải tạo đàn cừu bằng cách loại bớt những con cừu suy dinh dưỡng, còi cọc, duy trì những con cừu đực, cừu cái mạnh khỏe; đồng thời, tiến hành luân đổi con đực giữa các trang trại để tránh tình trạng trùng huyết. Hướng tới đạt mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại ngành Chăn nuôi đến năm 2020, phát triển đàn cừu với quy mô 190.000 con; trong đó, nuôi tập trung 165.000 con, sản lượng thịt 9.000 tấn; đàn cừu lai (cừu Ninh Thuận lai với cừu nhập ngoại của Úc, Ả Rập) từ 50-70%, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cải tạo đàn cừu, chọn hộ chăn nuôi tiêu biểu thực hiện thí điểm, sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thực tế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình cải tạo đàn cừu, chuyển giao các hộ chăn nuôi có được giống tốt. Với giống cừu lai Úc, chỉ cần 7-8 tháng nuôi theo đúng kỹ thuật sẽ xuất chuồng, có trọng lượng bình quân 30 kg/con.
Nhờ vào điều kiện chăn thả thuận lợi, hiện nay nhiều nông dân có xu thế chuyển từ nuôi dê sang nuôi cừu, đây là hướng đi mới có nhiều triển vọng. Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thịt cừu, ngành chức năng vận động nông dân phát triển mô hình chăn nuôi tập trung có quản lý dịch bệnh, sử dụng thức ăn vi sinh, gắn với quy hoạch vùng trồng cỏ.
Anh Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.