Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 01/08/2019
Ngày cập nhật:
2/8/2019
Cuối năm 2012, anh Nguyễn Văn Tài ở thôn Đông Kết, xã Đông Kết (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò sữa giống về nuôi.
Anh Nguyễn Văn Tài ở thôn Đông Kết, xã Đông Kết (Khoái Châu)
Để đàn bò phát triển, sớm cho thu hoạch sữa, anh Tài tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp tổ chức, đọc thêm sách báo, tài liệu, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò của gia đình. Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò bắt đầu cho khai thác sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa, anh Tài tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò. Đến nay, gia đình anh nuôi 17 con, trong đó, có 5 con đang cho khai thác sữa. Trung bình, mỗi con cho thu từ 20 - 30kg sữa/ngày (chu kỳ thu sữa của bò đạt khoảng 300 ngày/năm), với giá ở thời điểm hiện tại, Công ty Vinamilk thu mua là 14.000 đồng/kg sữa bò loại 1 và 13.000 đồng/kg sữa bò loại 2, cho doanh thu trên 1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài sữa bò, anh còn có thu nhập từ bán bê đực với giá 3 - 5 triệu đồng/con. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Tài thu lãi trên 300 triệu đồng.
Theo anh Tài: “Nhằm bảo đảm chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, tôi cho bò ăn thêm thức ăn tinh là cám, ngô. Trung bình mỗi ngày, một con ăn khoảng 10kg thức ăn tinh và 40kg cỏ tươi. Toàn bộ diện tích đất ruộng 3 mẫu gia đình tôi tận dụng trồng cỏ voi, bảo đảm đủ thức ăn cho bò quanh năm. Thời gian tới, tôi mong muốn mở rộng chăn nuôi, phát triển thêm đàn bò và hướng dẫn các hộ nông dân khác cùng phát triển kinh tế từ nuôi bò sữa”.
Anh Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Với lợi thế có triền đê sông Hồng trải dài, diện tích trồng chuối lớn nên người dân trong huyện đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa. Hiện nay, toàn huyện có hơn 800 con bò sữa, trong đó có hơn 600 con đang cho khai thác sữa, tập trung ở các xã: Đông Kết, Bình Minh, Dạ Trạch, An Vĩ, Liên Khê... Nông dân nuôi bò sữa ít bị rủi ro hơn chăn nuôi những con vật khác bởi bò sữa ít bị dịch bệnh, tuy nhiên người nuôi phải có vốn khá lớn và nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Đây là hướng đi phù hợp, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.
Theo chân cán bộ thú y xã Phú Thịnh (Kim Động), chúng tôi về thăm trang trại nuôi bò sữa của gia đình ông Trần Văn An ở thôn Trung Hòa, một trong những trang trại nuôi bò sữa nhiều nhất xã. Hiện nay, gia đình ông nuôi 23 con bò và bê sữa. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình ông trồng cỏ voi với diện tích hơn 5 mẫu và 3,5 mẫu trồng chuối để bán quả và tận dụng thân cây làm thức ăn cho bò.
Cũng theo ông An, mấy năm nay, do giá cả ổn định nên nuôi bò sữa hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với vật nuôi khác. Tuy nhiên, để duy trì được năng suất, chất lượng nguồn sữa theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp phải chú trọng các khâu phòng bệnh, chăm sóc khá khắt khe như: chú trọng khâu vệ sinh trước khi vắt sữa; đối với chuồng trại phải làm cao ráo, thông thoáng; bổ sung thêm các loại thức ăn thô; thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống; khử trùng chuồng trại và tiêm phòng các bệnh phổ biến theo đúng lịch tiêm chủng...
Nhờ làm tốt công tác phòng và chăm sóc đàn bò sữa, nhiều năm nay, sữa bò của gia đình ông sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó. Mỗi ngày, gia đình ông An cung ứng 1,3 - 1,5 tạ sữa cho đơn vị thu mua, lúc cao điểm, ông cung cấp 4 tạ/ngày. Ông An ước tính, mỗi con bò sữa có thể cho thu lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm, chưa kể lợi nhuận từ việc bán bê con.
Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, tổng đàn bò của toàn tỉnh ước khoảng 38.000 con, trong đó có trên 2.000 con bò sữa, tập trung ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Với lợi thế được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, diện tích trồng màu lớn nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các địa phương ven sông Hồng gặp nhiều thuận lợi. Người chăn nuôi đã tận dụng được thức ăn xanh từ các phế phẩm nông nghiệp như: thân cây chuối, ngô, rơm... Qua quá trình chăn nuôi, người dân đã có kinh nghiệm chọn lọc những con bò sữa cho sản lượng cao. Việc chăm sóc, phòng dịch được bảo đảm, cộng với việc sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn bởi các doanh nghiệp đã tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người chăn nuôi.
Hương Giang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.