Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 02/08/2019
Ngày cập nhật:
3/8/2019
Từ đầu tháng 7 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ lây nhiễm sang các địa phương khác là rất cao, nhất là đang giai đoạn mùa mưa.
Vệ sinh tiêu độc khử trùng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học phòng dịch, góp phần ngăn ngừa dịch tả lợn.
Lây lan nhanh
Diễn biến dịch tả lợn châu Phi ngày càng phức tạp, đặc biệt ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận dịch đang bùng phát trên diện rộng, đã có 7 xã, thị trấn công bố dịch. Chỉ trong 3 ngày (23 – 26/7) ở các xã Đức Tín, Mê Pu, thị trấn Võ Xu, Đức Tài, Đức Chính, Đông Hà, Đa Kai và Nam Chính phát sinh thêm 3.014 con lợn của 110 hộ bị tiêu hủy. Đối với các mẫu lấy từ lợn chết ở xã Sùng Nhơn, Đức Hạnh và Vũ Hòa đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Các xã còn lại đang tập trung các biện pháp ngăn chặn những diễn biến của dịch bệnh nhưng vẫn chưa khả quan. Thống kê của UBND huyện Đức Linh, đàn lợn bệnh và tiêu hủy đã lên đến 13.450 con/510 hộ chăn nuôi, chiếm phần lớn tổng đàn lợn tiêu hủy toàn tỉnh (14.370 con). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát dịch tả lợn trên diện rộng tại Đức Linh, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với trên 2.000 hộ chăn nuôi hơn 111.000 con lợn nên việc ngăn chặn dịch rất khó khăn. Bên cạnh đó, số lợn chết và tiêu hủy ngày một tăng, việc tiêu hủy đàn lợn đang gặp nhiều khó khăn. Tại thị trấn Đức Tài xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi từ ngày 26/6, hiện số lượng lợn chết đang tăng chóng mặt nhưng thị trấn không còn chỗ để tiêu hủy. Việc bùng phát dịch tả lợn đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân. UBND huyện Đức Linh kiến nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn này.
Nguy cơ bùng phát dịch trong toàn tỉnh là rất lớn, tình trạng lợn chết nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã xuất hiện tại xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình), phường Phú Trinh, Phú Tài (TP. Phan Thiết), thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam). Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ dịch bệnh và chủ động bảo vệ đàn lợn; tăng cường tiêu độc khử trùng. Tại các địa bàn đang xảy ra dịch thực hiện việc kiểm soát, khử trùng tiêu độc các phương tiện ra vào ổ dịch; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt lợn trong vùng dịch. Tất cả các giải pháp đang được triển khai quyết liệt nhằm bảo vệ đàn lợn còn lại của tỉnh, tránh lây lan diện rộng.
Hộ chăn nuôi thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học
Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ quốc gia nào sản xuất được vắc-xin ngừa virus dịch tả lợn châu Phi, cũng như chưa có thuốc điều trị. Dịch bệnh lây lan nhanh do đường lây truyền phức tạp, nhất là trong điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y không đảm bảo. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là thực hiện tốt các nguyên tắc “5 không”, “10 cấm”. Ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lưu ý: Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, các hộ chăn nuôi lợn chú ý thực hiện tốt theo hình thức an toàn sinh học và trại chăn nuôi có ý thức trong phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi: kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt, sử dụng rau, củ, quả không rõ nguồn gốc và mua các sản phẩm từ thịt lợn về tiêu thụ trong trại… nên nguy cơ bùng phát dịch. Các hộ chăn nuôi lưu ý tuyệt đối không “bán chạy” lợn bệnh cho thương lái và vứt lợn bệnh chết ra môi trường như sông, suối sẽ khiến cho tình trạng dịch bệnh dễ bùng phát. Bởi virus dịch tả tồn tại trong nước ít nhất 3 tháng. “Điều kiện chăn nuôi chủ yếu là hộ dân nhỏ toàn tỉnh rất lớn, cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan chức năng, chúng tôi rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học”, ông Vấn nói.
Duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ NN&PTNT dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 62 tỉnh, thành phố trên cả nước (chỉ còn Ninh Thuận chưa phát hiện dịch) với tổng số lợn tiêu hủy hơn 3,3 triệu con (chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn). Trong thời gian tới, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng: phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Cát Tường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.