Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 05/08/2019
Ngày cập nhật:
6/8/2019
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra ở hơn 5.000 hộ thuộc 721 thôn của 121 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số lợn ốm chết và tiêu hủy hơn 83 nghìn con, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thực trạng này cho thấy, nếu không có giải pháp cấp bách và đồng bộ thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Kho, xã Đồng Văn (Yên Lạc) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đẻ
Do ảnh hưởng của bệnh DTLCP khiến nhiều người chăn nuôi dừng tái đàn, dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm, nhất là vào những tháng cuối năm. Để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi lợn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo hướng dẫn; phát triển chăn nuôi gia cầm, trâu, bò thịt cũng như các loại vật nuôi khác có ưu thế đối với từng địa phương; khuyến khích người chăn nuôi nuôi gia cầm hướng thịt, hướng trứng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện việc lai tạo các giống bò sữa, bò thịt mới có năng suất, chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt để tăng trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt. Mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh các giống cá cho năng suất cao như Rô phi đơn tính, chép lai và các giống cá truyền thống.
Phát huy lợi thế của từng địa phương, nhiều hộ chăn nuôi chủ động chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tăng số lượng đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ... để thay thế lượng thịt lợn thiếu hụt.Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Đỗ Trung Lương, thôn Quang Trung, xã Tiên Lữ (Lập Thạch) đúng thời điểm gia đình đang úm 1.000 vịt con để nuôi kế tiếp bởi 2.000 con vịt thương phẩm của gia đình chuẩn bị xuất bán. Anh Lương cho biết, do ảnh hưởng của bệnh DTLCP nên giá vịt thương phẩm tương đối cao. Đầu tháng 7 vừa rồi, với 1.000 con vịt xuất bán, gia đình thu lãi 17 triệu đồng.
Được biết, trước đây, gia đình anh Lương chăn nuôi khá nhiều lợn nhưng 2 năm nay, hết “bão giá” rồi lại “bão bệnh” lời lãi chẳng được bao nhiêu. Đầu năm 2019, gia đình chuyển sang nuôi vịt thương phẩm; mở rộng phát triển nuôi trồng thủy sản theo mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá với diện tích hơn 9ha, sản lượng đạt 25 tấn cá/năm.
Với 10.000 gà Ai Cập, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu quả trứng, mô hình trang trại của ông Nguyễn Văn Kho, xã Đồng Văn (Yên Lạc) cho hiệu quả cao. Theo ông Kho, hiện nay, giá trứng đã tăng ổn định sau chuỗi dài giảm sâu khiến người chăn nuôi gia cầm phấn khởi hơn. Nhiều năm qua, gia đình lựa chọn giống gà Ai Cập trắng để chăn nuôi bởi đây là giống gà cho năng suất cao về sản lượng trứng, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu miền Bắc nước ta. Đặc biệt, trứng gà Ai Cập có hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường rất ưa chuộng nên đầu ra khá thuận lợi. Thời gian tới, gia đình mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bệnh DTLCP đã “xóa sổ” toàn bộ đàn lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên). Theo quy định của cơ quan chức năng, gia đình chưa được phép tái đàn lợn nhưng cũng không thể bỏ trống chuồng, gia đình chuyển sang nuôi vịt để tăng thu nhập.
Mặc dù giá gia cầm và các vật nuôi khác đã tăng giá nhưng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người chăn nuôi nên thận trọng, cân nhắc kỹ khi tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi đáp ứng nguồn cung thực phẩm thay thế cho thịt lợn nhưng không nên chạy theo phong trào vào đàn ồ ạt, tránh cung vượt cầu như đã từng diễn ra.
Bài, ảnh Lâm Hải
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.