Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 05/08/2019
Ngày cập nhật:
6/8/2019
Chuồng nuôi cần được thiết kế sao cho dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc; phải có nơi để chứa, ủ chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
Heo giống được nuôi theo hướng “sạch” ở một gia trại.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, chăn nuôi nông hộ tạo ra sản lượng thực phẩm lớn cho xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở nông thôn. Chăn nuôi nông hộ là một đầu mối tiêu thụ, chế biến những phụ phẩm của ngành nông nghiệp, các ngành nghề phụ ở nông thôn để tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trứng, thịt, sữa... Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ tận dụng được nguồn đất đai bạc màu, công lao động nhàn rỗi và vốn tự có của hộ nông dân.
Tuy nhiên, hạn chế đối với chăn nuôi heo nhỏ lẻ chính là khó đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nhiều địa phương. Những ổ dịch được phát hiện cho tới thời điểm hiện tại phần lớn đều xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ, không kiểm soát được nguồn lây nhiễm.
Việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học tại các nông hộ là rất quan trọng, cần thiết nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi, sức khoẻ người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.
Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nêu một số hướng dẫn để xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học tại nông hộ: Về chuồng trại chăn nuôi, cần có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; phải cách biệt giữa khu vực chăn nuôi với nhà ở và nguồn nước sinh hoạt.
Hộ nuôi cần có 2 ô chuồng cách ly tách biệt. Một ô để nuôi heo mới mua về, theo dõi trong 2 tuần, nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập đàn. Một ô để tách riêng heo có bệnh ở vị trí cuối chiều gió.
Cần có hố khử trùng tại cổng ra vào trại chăn nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng; đối với chăn nuôi nông hộ là các khay chứa thuốc sát trùng hoặc vôi bột. Người chăn nuôi trước khi vào chuồng nuôi phải mang ủng và nhúng qua vôi hoặc dung dịch sát trùng.
Chuồng nuôi cần được thiết kế sao cho dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc; phải có nơi để chứa, ủ chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
Khu vực xử lý chất thải, nước thải cần tách biệt với chuồng nuôi chính. Ðường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến nơi xử lý chất thải phải kín, bảo đảm dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.
Heo giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Con giống phải khoẻ mạnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phù hợp với lứa tuổi theo quy định của thú y.
Không dùng thức ăn ôi, thiu, mốc. Không dùng thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng. Không cho heo ăn các phụ phẩm từ lò mổ, thức ăn thừa từ nhà hàng khách sạn, từ chợ mà không qua nấu chín.
Không sử dụng thức ăn thừa của đàn heo đã xuất chuồng, thức ăn của đàn heo đã bị bệnh dịch cho đàn heo mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn heo bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.
Trong trường hợp phải trộn thuốc, hoá chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.
Chất sát trùng tại các hố sát trùng hoặc khay sát trùng phải bổ sung hoặc thay hằng ngày. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải mang ủng hoặc giày dép và mặc quần áo bảo hộ của cơ sở; trước khi vào các chuồng nuôi phải nhúng ủng hoặc giày dép vào hố khử trùng.
Ðịnh kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi tuỳ vào nguy cơ dịch bệnh. Trường hợp nơi chưa có dịch thì thực hiện ít nhất 1 lần/2 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Không vận chuyển heo, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển; vệ sinh máng ăn, máng uống hằng ngày.
Sau mỗi đợt nuôi, người nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới vào. Trường hợp hộ chăn nuôi bị dịch bệnh, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày. Ðối với hộ chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi thì phải để trống chuồng ít nhất 30 ngày.
Ngành Thú y cũng lưu ý người nuôi heo tuyệt đối không mang thịt heo và các sản phẩm nấu chín từ heo vào khu chăn nuôi.
ÐÌNH CHUNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.