• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cẩn trọng khi tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 09/08/2019
Ngày cập nhật: 11/8/2019

Đến ngày 5/8, Ninh Bình đã có 14 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt, gần đây giá lợn hơi có xu hướng tăng, do vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con cần cẩn trọng, không ồ ạt tái đàn sau dịch.

Giá đã tăng trở lại

Dịch tả lợn châu Phi trong vòng hơn 5 tháng qua đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi tỉnh ta. Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.000 thôn, xóm của 139 xã, phường, thị trấn của tất cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với số lượng lợn phải tiêu hủy là trên 84,8 nghìn con, tương đương với trọng lượng khoảng 4,85 nghìn tấn. Điều này đã khiến cho sản lượng thịt hơi 6 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ bằng 86,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, việc người dân e ngại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thịt lợn đã khiến giá lợn giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 25-30 nghìn đồng/1kg, tương đương với mỗi kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi bị thiệt hại từ 10 - 15 nghìn đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá lợn hơi trung bình tại các địa phương đã nâng lên mặt bằng chung khoảng 40 nghìn đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi. Nguyên nhân được cho là do số lượng lợn trong dân không còn nhiều, gây thiếu hụt nguồn cung, trong khi đó với sự vào cuộc của truyền thông, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn trở lại. Theo dự báo của các chuyên gia, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, có thể cán mốc bình quân 45 nghìn đồng/kg trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Thơm-một tiểu thương buôn bán tại chợ Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết: Trước đây, trong nhà chị lúc nào cũng mua và nuôi trữ khoảng 6-10 con lợn để giết mổ dần. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, việc tìm mua lợn gặp nhiều khó khăn do lượng lợn trong dân không còn nhiều, các hộ trước đây nuôi 20-30 con, nay đều đã ngừng vào đàn, bỏ trống chuồng. Chị Thơm cho biết thêm, hiện nay giá lợn hơi chị mua vào khoảng 39-40 nghìn đồng/1kg, cao hơn từ 9-10 nghìn đồng/1kg so với tháng trước.

Có nên tái đàn?

Xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Ninh Bình vào đầu tháng 3/2019, đến nay, toàn xã đã có 8 thôn với 52 hộ có lợn phải tiêu hủy. Từng được coi là nghề mang lại thu nhập khá ổn định nhưng giờ đây nuôi lợn lại khiến không ít người chăn nuôi ở đây mắc nợ.

Tuy vậy, nếu không tiếp tục nuôi lợn thì người dân cũng chẳng biết phải làm gì cho nên khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng, đặc biệt là khi giá lợn hơi bắt đầu tăng lên thì một vài hộ lại rậm rịch chuẩn bị cho việc tái đàn với mong muốn khôi phục lại kinh tế.

Gia đình bà Đinh Thị Cúc ở thôn Đông Hoa, xã Ninh Khang là một trong những hộ dân bị thiệt hại khá nặng trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi vừa qua với 18 con lợn nái, 10 con lợn thịt và 2 ổ lợn con phải tiêu hủy. Tranh thủ ngày nắng, bà Cúc bỏ mấy bì cám ra phơi lại, bà cho biết: Sau khi đàn lợn bị dịch phải tiêu hủy hết, tôi chuyển sang nuôi mấy chục con ngan thịt nhưng đầu ra và lợi nhuận không tốt lắm. Bữa nay dịch tạm lắng, giá lợn hơi tăng lên nên tôi đang tính tái đàn chứ chả nhẽ bỏ chuồng không.

May mắn hơn bà Cúc, đàn lợn của hộ ông Đinh Lệnh Bảo cùng thôn cho đến nay vẫn an toàn. Vừa hôm qua ông bán được 1 đàn 10 con với giá 39 nghìn đồng/kg, thu lời kha khá. Ông Bảo chia sẻ: Tôi nuôi lợn mấy chục năm nay, lúc nào trong chuồng cũng có 2-3 con nái và một đàn khoảng 15 con lợn thịt. Dịch tả lợn châu Phi vừa qua, tôi thường xuyên dùng vôi bột, hóa chất phun khử trùng, ngoài ra thức ăn cho lợn đều được gia đình nấu chín trước khi cho ăn nên đàn lợn của gia đình vẫn an toàn mặc dù xung quanh bị dịch hết. Với tình hình giá lợn đang tăng như hiện nay, tôi dự kiến sẽ tăng đàn lên khoảng 20-30 con.

Mong muốn tái đàn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi thời điểm này, tuy nhiên trong bối cảnh khi mà trên địa bàn tỉnh vẫn đang có tới 125 xã có dịch tả lợn châu Phi và mới chỉ có 14 xã công bố hết dịch thì đã nên tái đàn hay chưa? Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn có thể tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại.

Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải lưu ý, cẩn trọng ở một vài điểm. Một là, cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Hai là, không tái đàn ồ ạt, nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước (khoảng 10% năng lực chăn nuôi), sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, các địa phương phải tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, tổ chức lại chăn nuôi, hạn chế việc chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học; mở rộng các đối tượng nuôi thay thế như gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu, thỏ), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) kể cả lấy thịt và sữa để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt từ lợn.

Hà Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang