Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 13/08/2019
Ngày cập nhật:
16/8/2019
Trong khi ngành nông nghiệp khuyến cáo không chủ trương tăng đàn lợn thời điểm này thì việc tìm sinh kế mới cho nông dân được khuyến khích. Trong đó đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng mở cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chuỗi liên kết bền chặt
Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) vừa chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi trâu, bò được 2 năm nay. Anh Cảnh chia sẻ, bao nhiêu năm gắn bó với đàn lợn là bấy nhiêu ngày mất ăn mất ngủ, vừa lo dịch bệnh, vừa lo đầu ra. Năm 2017, sau chuyến tham quan mô hình chăn nuôi gia súc ở Hải Dương, anh quyết định từ bỏ đàn lợn và chuyển sang chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo. 6.000 m2 đất trồng mía kém hiệu quả, anh Cảnh chuyển đổi sang trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Từ 2 con đầu tiên, giờ mỗi lứa anh Cảnh nuôi từ 8-10 con trâu, bò các loại. Anh tính toán, mỗi con trâu 1 tháng cho lãi từ 1,5 - 1,7 triệu đồng.
Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn bò.
Anh Đặng Văn Cảnh là 1 trong 35 thành viên của Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang. Hợp tác xã này hiện đang liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi. Trong đó, toàn bộ con giống, thức ăn do Hợp tác xã Tiến Thành cung cấp. Các thành viên trong hợp tác xã thực hiện đúng các quy trình chăn nuôi, đảm bảo kỹ thuật để cung cấp sản phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang Lê Văn Thứ cho biết, thành công của mô hình này được minh chứng ở số lượng thành viên không ngừng tăng lên mỗi năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động (2017) chỉ có 7 thành viên tham gia, chăn nuôi 9 con trâu, thì sau 2 năm, đã có 35 thành viên tham gia, tổng đàn là 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết này, mỗi tháng, 1 hộ chăn nuôi trong hợp tác xã có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với những người nông dân nơi đây.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, ngoài Hợp tác xã Tiến Quang, hiện đơn vị này đang liên kết với 17 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Để tham gia chuỗi liên kết, hợp tác xã yêu cầu người chăn nuôi trước khi xuất bán, phải nói không với kháng sinh và tất cả các chất cấm trong chăn nuôi. Từ cuối năm 2017 đến hết tháng 7-2019, hợp tác xã đã cung ứng cho các trang trại chăn nuôi 1.732 con trâu, bò các loại, đồng thời thu mua 898 con. Số còn lại hiện đang được các thành viên tiếp tục nuôi vỗ béo.
Tiếp sức kịp thời cho người chăn nuôi
Tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141 nghìn con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102 nghìn con, đàn bò trên 35,6 nghìn con, còn lại là đàn bò sữa. Mặc dù số lượng đàn trâu có giảm so với 5 năm trước đây (giảm khoảng 8.000 con), nhưng sản lượng thịt hơi lại tăng. Riêng đối với đàn bò tăng mạnh cả về số lượng và sản phẩm. Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, điều này cho thấy việc chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương cũng đã trồng trên 4.000 ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô… làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39,5 nghìn tấn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đàn gia súc của Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).
Vì giá mua mỗi con giống khá cao (từ 20 - 50 triệu đồng/con), không phải hộ gia đình nào cũng có đủ năng lực kinh tế, nên để hỗ trợ người nông dân, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn. Trong đó,
Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi, đã có 3.726 hộ vay vốn mua 7.874 con trâu giống, với tổng số tiền trên 184 tỷ đồng; Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đã có 1 doanh nghiệp được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng phát triển chăn nuôi quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ; Quyết định số 03 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, năm 2019 tỉnh đã có quyết định phân bổ 5 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi…Mới đây, tháng 7-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 271 phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, mục tiêu là phát triển kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gắn với chuỗi liên kết…
Tuy nhiên, theo những người chăn nuôi, hiện nguồn con giống đang khan hiếm dần. Chị Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) cho biết, thời điểm thành lập hợp tác xã, đơn vị muốn đầu tư vào chăn nuôi trâu, nhưng vì nguồn cung con giống không có, nên Hợp tác xã chuyển sang chăn nuôi bò. Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, nhưng chỉ có chị vào đàn trước, còn lại vẫn đang nghe ngóng, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi và quan trọng nhất là vấn đề đầu vào - đầu ra.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, hiện toàn bộ đàn trâu giống của hợp tác xã được nhập từ nước ngoài, tuy nhiên, do số lượng đăng ký lớn, nên nguồn cung không đủ để cung cấp cho các thành viên hợp tác xã. Hiện để đa dạng nguồn cung, đơn vị làm việc với một số doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa trong nước để lấy lại bò, bê đực cung cấp cho người chăn nuôi.
Khi chăn nuôi lợn đang gặp khủng hoảng về giá cả, dịch bệnh thì chăn nuôi đại gia súc được khôi phục và nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời từ chính quyền. “Đường lớn đã mở”, điều cần làm bây giờ là phải xây dựng được chiến lược quảng bá nhằm khai thác lợi thế của sản phẩm, có như vậy chăn nuôi đại gia súc mới bền vững và dần đi vào chế biến sâu, thay vì xuất khẩu thịt hơi như hiện nay.
Bài, ảnh: Trần Liên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.