Nguồn tin: Báo Nam Định, 22/01/2019
Ngày cập nhật:
24/1/2019
Câu chuyện cựu chiến binh Nguyễn Văn Thục nuôi lợn sạch bằng thảo dược và âm nhạc kéo tôi về xã Trực Thái (Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Vẻ ngoài ông Nguyễn Văn Thục nhìn chân chất giản dị nhưng khi trao đổi về chăn nuôi thì ông hoạt bát hẳn lên. Ông nói vui, "vợ con là tình yêu thứ nhất còn lợn là tình yêu thứ hai", rồi ông đưa tôi ra khu trang trại xanh nổi lên giữa vùng đất hoang hóa. Trên 4.000m2 khu đất công đấu thầu được, cùng bao mồ hôi, công sức, tiền của… ông đã xây dựng trang trại nuôi lợn khá quy mô với 400-500 con lợn. Và mặc dù ngành chăn nuôi lợn vừa trải qua thời kỳ lao đao khốn khó khiến nhiều tỷ phú cũng phải buông xuôi bỏ chuồng trống, giảm đàn nhưng trang trại của ông vẫn đứng vững, duy trì cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn, bổ dưỡng cho các cửa hàng thực phẩm sạch Nam Định, Hà Nội, Hà Nam...
Ngay người dân trong vùng cũng thích mua sản phẩm của gia đình ông mặc dù giá có cao hơn thị trường. Ông Thục cho biết: “Ngoài nguyên liệu chủ yếu là ngô, cám gạo, đậu tương, tôi cho thêm các loại thảo dược như: đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả... và chế phẩm men vi sinh EM vào khẩu phần ăn hằng ngày của lợn nên sức đề kháng cao hơn, đàn lợn khỏe mạnh, không bệnh tật, không phải dùng bất kỳ loại kháng sinh nào". Cũng qua tìm hiểu thông tin trên internet, ông quyết định sử dụng âm nhạc ru ngủ đàn lợn giúp chúng tiêu hao ít năng lượng, hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Thay vì nuôi theo phương thức công nghiệp chỉ 3-4 tháng được xuất bán, lợn của gia đình ông nuôi trong 7-8 tháng nên chất lượng thịt ngon. Thương hiệu “thịt lợn thảo dược trang trại Hiền Thục” ngày càng có nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho lợn giống ở Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.
Từ lâu chăn nuôi lợn luôn chiếm vị trí số một trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, kể cả thời điểm “khủng hoảng” giá giảm sâu khiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay, phải bỏ nghề nhưng tổng đàn lợn của tỉnh vẫn được duy trì thường xuyên gần 800 nghìn con. Tổng sản lượng thịt lợn đạt trên 150 nghìn tấn/năm, chiếm trên 81% tổng sản lượng thịt các loại. Toàn tỉnh hiện có 300 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và hàng nghìn gia trại, trong đó có nhiều trang trại đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Song, hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi tỉnh là thiếu các nhà máy chế biến sâu, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành chăn nuôi lợn phát triển hiệu quả, bền vững, cần phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng sản xuất công nghiệp, tập trung hạ giá thành, sử dụng con giống, thức ăn, áp dụng quản trị tốt. Trọng tâm là xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín mà các doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã có vai trò chủ đạo. Để khắc phục những hạn chế của ngành chăn nuôi, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển ở vùng nông thôn, nhất là doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp. Tỉnh đã đầu tư kinh phí cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh xây dựng cơ sở mới ở xã Nam Cường (Nam Trực) để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất nhằm mục tiêu sản xuất và cung cấp con giống chất lượng tốt cho người chăn nuôi trong tỉnh; từng bước phát triển chăn nuôi hàng hóa. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy giết mổ lợn lớn nhất khu vực miền Bắc.
Đầu tháng 11-2018, tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế - Nhà máy Biển Đông DHS đã hoàn thành và được đưa vào vận hành. Tất cả các dây chuyền giết mổ lợn tự động đồng bộ được nhập từ Hàn Quốc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là hiện đại nhất hiện nay cả về quy mô và công nghệ. Dây chuyền giết mổ có công suất 300 con lợn/giờ. Sản phẩm chính của Biển Đông DHS là thịt đông lạnh, các sản phẩm từ thịt lợn chế biến qua gia nhiệt sẽ cung cấp cho thị trường trong nước qua hệ thống siêu thị, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng… và dự kiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong…
Tại buổi lễ khánh thành Nhà máy Biển Đông DHS, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: “Việc tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế - Nhà máy Biển Đông DHS đi vào hoạt động đánh dấu một bước phát triển mới trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đây sẽ là một đầu tàu quan trọng trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn của Nam Định và các tỉnh trong vùng”. Cũng trong thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 50 trang trại chăn nuôi lợn được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh và 83 xã, thị trấn phía tả sông Ninh Cơ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là vùng an toàn dịch bệnh để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu.
Trong năm Kỷ Hợi và những năm tiếp theo, tỉnh ta sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội và câu lạc bộ chăn nuôi. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, tỉnh bạn và xuất khẩu; trong đó tập trung đầu tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi giá trị khép kín. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch nông sản. Với những nỗ lực và sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các hộ sản xuất là cơ sở để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng vững chắc, đáp ứng yêu cầu thị trường, có sức “đề kháng” trước các biến động kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế nông nghiệp và của người chăn nuôi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.