Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 20/08/2019
Ngày cập nhật:
21/8/2019
Năm 2011, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Lê Quang Mạnh, ở thôn 11, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) giúp gia đình chăm sóc 3 ha cây trồng các loại, trong đó có 1 ha cà phê. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh, lợi nhuận thu được không đáng là bao.
Sau nhiều ngày trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, qua tham khảo một số mô hình nuôi dúi ở các địa phương, anh Mạnh quyết định đầu tư khoản tiền 9 triệu đồng được hỗ trợ khi xuất ngũ cùng với số tiền của gia đình ra tận Nghệ An mua 10 cặp dúi về nuôi thử nghiệm. Song, do chưa có kinh nghiệm nên anh mua nhầm giống dúi rừng, dúi con đẻ ra thường bị dúi mẹ cắn chết; chuồng trại xây dựng không phù hợp với môi trường sống của dúi. Vì vậy, đàn dúi cứ chết dần, thiệt hại gần 20 triệu đồng.
Không nản lòng, anh Mạnh tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của những người đã từng nuôi dúi và tìm hiểu kiến thức về tập tính, khả năng thích nghi, cách chăm sóc dúi… Đến tháng 8-2017, anh quyết định dùng số tiền tích cóp từ trồng trọt đầu tư 100 triệu đồng xây dựng lại chuồng trại và tìm đến các địa chỉ uy tín mua 22 cặp dúi thuần về nuôi. Nhờ áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăm sóc dúi đã tích lũy được nên lần này đàn dúi sinh trưởng tốt.
Đến nay, đàn dúi của gia đình anh Mạnh đã lên tới 200 con, với giá bán dao động từ 1,3 triệu đồng – 1,5 triệu đồng/cặp tùy theo tuổi dúi; đối với dúi phối giống thì giá từ 1,8 triệu đồng – 1,9 triệu đồng/cặp. Bình quân cứ 3 tháng gia đình anh xuất bán 80 kg dúi, thu nhập trên 40 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khá rộng, hiện tại có nhiều nhà hàng ở miền Tây Nam Bộ hợp đồng mua dúi thương phẩm và nhiều người từ nơi khác đến mua giống dúi về nuôi.
Khách hàng đến xem dúi đã đến kỳ xuất bán của gia đình anh Mạnh (bên phải).
Anh Mạnh chia sẻ: Dúi là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng rất đơn giản chỉ là thân cây tre, le, ngô, mía, cỏ voi… trung bình một ngày mỗi con ăn khoảng 20 hạt bắp, 5 - 7 cm mía, còn tre và cỏ tùy khả năng cho ăn bao nhiêu cũng được. So với các vật nuôi khác thì dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Dúi mẹ sau khi phối mang bầu được 45 ngày sẽ đẻ và nuôi con 45 ngày là tách mẹ cho phối lứa khác. Thời gian sinh trưởng của dúi ngắn, chỉ cần nuôi 3 tháng thì có thể bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con.
Để dúi phát triển khỏe mạnh, phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại bảo đảm khô ráo, thông thoáng. Vào mùa hè nắng nóng, nên phun sương làm mát cho dúi, mùa đông thì chuồng trại phải bảo đảm kín gió. Chuồng trại nên làm theo hình thức bể ô vuông 50 cm x 50 cm bằng đá, gạch men hoặc xi măng bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được cũng như thuận tiện việc chăm sóc.
Anh Mạnh chăm sóc dúi.
Hiện nay anh Mạnh cũng đã thử nghiệm thành công việc nuôi dúi con tách mẹ ngay sau khi đẻ bằng phương pháp do người chăm sóc nhằm tăng thêm vòng quay sinh sản của dúi mẹ.
Mai Viết Tăng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.