• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 22/08/2019
Ngày cập nhật: 23/8/2019

Đến ngày 16.8, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 87 xã, phường, thị trấn công bố hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt, gần đây giá lợn hơi có xu hướng tăng, do vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng, không nên tái đàn trong thời điểm hiện tại.

Sản lượng thịt lợn giảm khiến giá thịt lợn thời gian gần đây tăng mạnh

Ảnh: Quầy hàng kinh doanh thịt lợn tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên)

Trong vòng hơn 6 tháng qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi trong tỉnh. Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 775 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với số lượng lợn phải tiêu hủy là trên 188,6 nghìn con, tương đương với trọng lượng khoảng 10,7 nghìn tấn. Điều này đã khiến cho tổng đàn lợn của tỉnh 6 tháng đầu năm giảm, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, việc người dân e ngại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thịt lợn đã khiến giá lợn giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 25-30 nghìn đồng/1kg, tương đương với mỗi kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi bị thiệt hại từ 10 - 15 nghìn đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá lợn hơi trung bình tại các địa phương đã nâng lên mặt bằng chung khoảng 45 - 50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do số lượng lợn trong dân không còn nhiều, gây thiếu hụt nguồn cung, trong khi đó với sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp, ngành, địa phương, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn trở lại. Theo dự báo của ngành chức năng, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.

Từ tháng 7.2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn, số lượng lợn tiêu hủy bình quân từ 80 – 100 con/ngày. Ông Trần Văn Hiển ở xã Nhân La (Kim Động) cho biết: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tạm lắng, cùng giá lợn hơi phục hồi và duy trì ở mức cao, nên gia đình tôi đang có ý định tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, cán bộ thú y xã khuyến cáo chưa nên tái đàn đến khi bệnh dịch hoàn toàn được khống chế.

Mong muốn tái đàn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi thời điểm này. Tuy nhiên, trong thời điểm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có một số địa phương sau khi đã khống chế dịch thành công nhưng nay dịch bệnh lại bùng phát trở lại, việc tái đàn lợn có thể sẽ khiến cho bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát. Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời điểm tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các vật nuôi khác. Đặc biệt, không nên nôn nóng tái đàn lợn vào thời điểm này do mầm bệnh, nguồn virus của bệnh dịch tả lợn Châu Phi có khả năng sinh tồn cao, việc vận chuyển lợn từ nơi này sang nơi khác có thể dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Những trường hợp người dân tự ý tái đàn lợn khi chưa có sự cho phép của ngành chức năng và các địa phương sẽ bị xử lý vi phạm đồng thời khi lợn bị ốm, tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Trong thời điểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê tổng đàn lợn hiện có. Tuyên truyền đến các hộ chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về kiểm dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nghiêm cấm việc tái đàn lợn tại các xã, thị trấn đang xảy ra dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi không nên tái đàn lợn trong giai đoạn hiện nay đối với các xã, thị trấn chưa xảy ra dịch.

Phạm Đăng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang