Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 27/08/2019
Ngày cập nhật:
28/8/2019
Bỏ nghề kế toán doanh nghiệp với thu nhập ổn định, anh Phan Văn Tuân, ở thôn Nà Sát, xã Hảo Nghĩa (Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) về bản, vào thung sâu lập trang trại, nuôi hàng vạn con gà thả đồi mỗi năm để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Anh Phan Văn Tuân khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi gà thả đồi sạch nhờ vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Bỏ nghề kế toán về làm nông dân
Những ngày thu tháng 8/2019, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Na Rì đi kiểm tra định kỳ hiệu quả nguồn vốn vay trên địa bàn xã Hảo Nghĩa của huyện. Tại đây, chúng tôi được tiếp cận mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi của anh Phan Văn Tuân, người được mệnh danh là “vua gà” ở địa phương, bởi mỗi năm, anh Tuân nuôi và xuất bán hàng chục tấn gà thịt ra thị trường ở cả trong và ngoài tỉnh.
Nằm giữa đại ngàn xanh thẳm Cạm Lếch, thuộc thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa, là trang trại nuôi gà với quy mô hàng nghìn con gà giống và gà thương phẩm được nuôi theo quy trình khép kín và phòng dịch nghiêm ngặt. Người dân sống trên địa bàn cho biết, chính mô hình của anh Tuân đã tạo động lực cho bà con trong thôn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từng là kế toán của một doanh nghiệp ở địa phương với thu nhập khá ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng, đây là niềm mơ ước của biết bao sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ Phan Văn Tuân lại đưa ra một quyết định khá “điên rồ”, đó là nghỉ việc về làm nông dân đích thực. Hành động này, khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa và người thân trong gia đình không khỏi ngạc nhiên.
Hơn thế, Phan Văn Tuân còn đưa ra quyết định táo bạo mà ở địa phương chưa ai dám thực hiện, đó là vào trong thung sâu giữa đại ngàn để thuê gần 4ha đất rừng, sau đó xin phép chính quyền, các ngành chức năng tự mở hàng trăm mét đường, xây dựng cơ sở vật chất làm trang trại để nuôi gà thả đồi với quy mô lên tới hàng chục nghìn con mỗi năm. Anh Tuân chia sẻ: “Nhận thấy lợi thế đất đồi rừng ở địa phương rất tốt cho việc chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, nên anh đã giấu người thân trong gia đình, lặng lẽ tìm đến địa phương các tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình để học tập kinh nghiệm nuôi và cách triển khai mô hình theo quy trình khép kín”.
Sau khi đi thực tế về và nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương hoàn toàn có thể áp dụng triển khai tốt, nhưng cái khó là thiếu vốn để đầu tư mô hình, anh Tuân bàn tính cùng gia đình vay mượn anh em họ hàng, nhưng cũng không đủ số tiền cần chi phí ban đầu cho việc xây dựng trang trại. Bằng sức trẻ và sự quyết tâm phát triển kinh tế trang trại, anh Tuân không từ bỏ ý định mà tìm đến các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương để thông qua đó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước…
“Đổi đời” nhờ vốn vay ưu đãi
Sau khi hoàn tất các thủ tục và được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chấp thuận, phê duyệt dự án, anh Tuân được vay gần 200 triệu đồng để đầu tư mô hình. Sau khi được giải ngân, anh bắt tay vào thực hiện mô hình với bao công việc bộn bề. Cũng phải mất đến nửa năm, anh mới xây dựng xong khu chăn nuôi và mở khoảng 500m đường để xe ô tô ra, vào trang trại thuận lợi. Chỉ chừng ấy thôi, cũng tiêu tốn của gia đình cả trăm triệu đồng.
Xây dựng xong khu chăn nuôi, anh Tuân lại "khăn gói" lên đường tìm đến huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) để mua con giống, bởi qua tìm hiểu anh nhận thấy giống gà thả đồi này hiện nay đang được thị trường tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhưng ưu điểm hơn cả, đó là con giống ít bệnh và rất hợp với chăn thả ở vùng đồi, nên được khá nhiều trang trại ở khu vực miền núi phía Bắc lựa chọn để nuôi.
Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Na Rì kiểm tra hiệu quả vốn vay ưu đãi mô hình nuôi gà của anh Phan Văn Tuân.
Anh Tuân chia sẻ: “Sau 3 năm triển khai đầu tư mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi với số tiền quay vòng vốn đầu tư lên tới hơn một tỷ đồng, đến nay toàn bộ trang trại đã xây dựng được 06 khu chăn nuôi riêng biệt, với quy mô trung bình khoảng một vạn rưỡi con/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Mô hình này cũng thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 4-5 người, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự "tiếp sức" của NHCSXH huyện Na Rì, đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi triển khai mô hình”.
Khi mô hình đã đi vào hoạt động ổn định và có thu nhập khá, anh Tuân lại xin chính quyền địa phương thẩm định, cấp phép xây dựng lò giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, tích cực tham gia các Diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp" tổ chức trong và ngoài tỉnh, để tìm kiếm cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ là các Trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước... Nhờ đó, năm 2019, mô hình trang trại của anh đã được chuỗi siêu thị BigC bước đầu kí kết bao tiêu sản phẩm gà sạch với số lượng khoảng 15 tấn gà thịt/năm. Đây có thể nói là cơ hội rất tốt để trang trại của anh Tuân mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở địa phương.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Hoàng Văn Thái cho biết: Thông qua hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH thực hiện, đã tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động uỷ thác, đã tập hợp, thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện tham gia các phong trào phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức Đoàn, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu cho quê hương./.
Quý Đôn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.