Nguồn tin: Báo Bình Phước, 27/08/2019
Ngày cập nhật:
29/8/2019
Ở xã Lộc Thành (Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), chăn nuôi dê đã gắn bó với nông dân từ rất lâu. Thời hoàng kim của cây điều, tiêu, cao su, mỗi nhà đã nuôi vài con dê để tận dụng thức ăn trong vườn. Nhưng khi giá sản phẩm các loại cây công nghiệp sụt giảm, chăn nuôi dê lại trở thành chỗ dựa của nhiều nhà. Hiện các hộ dân còn liên kết để làm giàu từ nuôi dê.
CÓ VƯỜN LÀ NUÔI DÊ
5 năm trở lại đây, chuồng dê của gia đình chị Hoàng Thị Mận ở ấp Tân Bình 2, xã Lộc Thành lúc nào cũng nuôi khoảng 10 con dê sinh sản. Nhà chị Mận có 3 ha trồng cao su, điều và cây ăn trái. Thời gian trước, kinh tế gia đình chị luôn ổn định nhờ thu nhập từ vườn rẫy nhưng gần đây giá mủ cao su giảm sâu, năng suất cây điều thấp do sâu bệnh và thời tiết thay đổi nên chị quyết định chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, bưởi... Chị Mận cho biết: Trước đây, tôi chỉ nuôi một vài con dê vì thấy nhiều người nuôi. Nhưng mấy năm thu nhập từ vườn rẫy giảm, nhờ tăng đàn dê mà tôi có tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con đi học. Dê rất dễ nuôi, tôi là lao động chính, chồng là tài xế đường dài nhưng tôi sắp xếp vẫn đảm đương được mọi việc vườn rẫy, chăn nuôi, chăm con. Chỉ cần siêng năng thì nuôi dê có thể thoát nghèo. Còn nhà có vườn rẫy, vốn thì làm giàu từ nuôi dê không khó.
Đàn dê của gia đình chị Hoàng Thị Mận, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Lộc Thành (Lộc Ninh)
Có kinh nghiệm nuôi dê nhiều năm, chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp Tân Bình 2, xã Lộc Thành cho biết: Nếu chăm sóc tốt, dinh dưỡng đầy đủ, mỗi lứa dê mẹ đẻ từ 1-3 con. Một con dê nuôi từ nhỏ đến trưởng thành khoảng 7 tháng. Như vậy chỉ trong 1 năm, người nuôi đã nhân đôi được số vốn ban đầu, nếu dê chỉ đẻ 1 con. Trao đổi về cách nuôi dê, chị Hoa cho rằng tương đối dễ. Thức ăn cho dê chủ yếu là lá keo, cỏ sạch trong vườn tiêu, xay nhỏ bỏ vào máng ăn ngày 2 lần, đồng thời người nuôi thường xuyên dọn chuồng, thay nước uống. Thời gian dê ăn có thể tranh thủ kiểm tra sức khỏe từng con để kịp thời có hướng xử lý. Phân dê được nhiều hộ vun thành đống nhỏ, ủ hoai bón vườn tiêu, nếu còn dư có thể bán cho các nhà vườn khác. “Trước đây, tôi nghĩ nuôi dê như bỏ ống heo tiết kiệm, có tiền sắm sửa thêm trong nhà, chứ không nghĩ có lúc trở thành thu nhập chính của cả gia đình. Với giá dê cao như hiện nay, nuôi dê không chỉ thoát nghèo mà còn là cách làm giàu không khó của nhiều nông hộ ở vùng biên Lộc Thành” - chị Hoa nói.
LIÊN KẾT CHĂN NUÔI
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thành đã vận động chị em thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê nhằm ổn định đầu ra và hỗ trợ kiến thức giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Bước đầu, hội vận động thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Lộc Thành tại tổ 6, ấp Tân Bình 2. Nếu mô hình phát huy hiệu quả sẽ nhân rộng các ấp còn lại.
Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Lộc Thành hiện có 12 thành viên nuôi 99 con dê, hộ nhiều nhất nuôi 25 con, ít nhất 6 con dê. Tham gia tổ hợp tác, thành viên sẽ được liên hệ và cung cấp dê giống khi có yêu cầu, hiện chủ yếu là dê bách thảo. Hằng năm, tổ hợp tác sẽ tổ chức luân chuyển dê đực giống giữa các hộ thành viên hoặc trong vùng để tránh trùng huyết, giảm bệnh tật và cải thiện đàn dê. Nguồn thức ăn (cám) cho dê mang thai sẽ được tổ hợp tác liên hệ cơ sở cung cấp. Vào cuối mỗi quý, tổ hợp tác liên hệ nhân viên thú y khám bệnh định kỳ tất cả đàn dê. Chi phí khám bệnh trích từ quỹ của tổ, chi phí chữa bệnh do thành viên chi trả. Thành viên ký kết hợp đồng cung ứng cho tổ hợp tác, tổ trưởng chịu trách nhiệm liên hệ và ký kết hợp đồng cung ứng với Hợp tác xã chăn nuôi dê Lộc Hiệp (Lộc Ninh) để thu mua xuất bán theo hợp đồng kinh tế. Thành viên giao dê thịt cho tổ hợp tác để liên hệ với cơ sở giết mổ và nhân viên thú y kiểm tra chất lượng dê thịt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giết mổ và đóng dấu thú y đảm bảo số lượng, chất lượng theo hợp đồng ký kết.
Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm: Trước mắt, hội sẽ sát cánh cùng Ban điều hành Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Lộc Thành vận động thành viên thực hiện đúng quy trình sản xuất chăn nuôi, đồng thời đảm bảo quyền lợi của thành viên tham gia tổ hợp tác nhằm phát huy hiệu quả mô hình. Nếu thành công sẽ là mô hình điểm nhân rộng ra các ấp Cần Dực, Tà Tê 2..., góp phần cùng chính quyền xã thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ông Lê Đức Trí, Bí thư Chi bộ ấp Tân Bình 2, xã Lộc Thành cho biết: Mặc dù tổ hợp tác đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận nhưng mô hình này đã được nhân dân trong ấp quan tâm học hỏi. Nếu phát huy hiệu quả, mô hình sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới, có hiệu quả và rất phù hợp với thực tế cuộc sống người dân vùng biên. Hiện 80% hộ dân trong ấp nuôi dê nhưng thời gian qua không phát huy hết hiệu quả vì đầu ra không ổn định, bị tư thương ép giá và không được hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật.
Phương Dung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.