• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trùn quế và nông nghiệp sạch

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 28/08/2019
Ngày cập nhật: 29/8/2019

Mô hình nuôi trùn quế bằng phế phẩm nông nghiệp được giải cao trong cuộc thi khởi nghiệp của Hội Phụ nữ tỉnh năm 2018, đồng thời lọt vào top đầu Trung ương Hội Phụ nữ. Qua đó, chị Phạm Thị Thanh Tuyền (xã Quảng Lập, Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương và không chỉ giúp cho gia đình mà còn giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm thu nhập.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyền là người đầu tiên của huyện Đơn Dương thành công với mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: H.Y

Nuôi trùn quế chính là giải pháp tối ưu đem lại nhiều lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm phục vụ nông nghiệp sạch hiện đang được chị Tuyền đi tiên phong bằng mô hình này.

Chị Tuyền chia sẻ, chị ấp ủ nuôi trùn quế từ lâu rồi vì xem ti vi thấy nhiều người làm hiệu quả, vậy tại sao mình không tận dụng thế mạnh của địa phương là vùng nông nghiệp với phế phẩm rau, củ thải ra rất lớn để làm thức ăn cho trùn quế, đồng thời sử dụng phân trùn quế để bón lại cho cây. Nghĩ là làm, chị bắt đầu tìm hiểu, nuôi thử nghiệm 20 m2 ở nhà và dùng rác thải nông nghiệp từ rau, củ, quả bỏ đi để làm thức ăn cho trùn quế. Sau 3 tháng nuôi, không những có phân bón cho vườn của gia đình mà trùn quế còn được công ty nuôi cá tầm ở Lạc Dương thu mua với 40.000 đồng/kg. Từ thành công đó chị mở rộng diện tích nuôi trùn quế của mình lên 400 m2 vào đầu năm 2019 và cung cấp ra thị trường 300 tấn phân hữu cơ từ trùn quế rất tốt trong trồng trọt. Nhận thấy, đây là mô hình đầu tư rất thấp, có thể mở rộng, phù hợp với chị em phụ nữ, đến tháng 7/2019 chị quyết định thành lập HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương, thu hút nhiều chị em phụ nữ của huyện tham gia với diện tích lên đến 1.000 m2. Từ mô hình này, đã làm giảm tối đa vốn đầu tư ban đầu bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương (phế phẩm rau sau thu hoạch) để tạo ra sản phẩm trùn quế và phân bón phục vụ lại nhu cầu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hiện nay của người dân. Qua phương pháp này đã giúp các hộ gia đình chị em sử dụng trùn quế để tự phân hủy rác thải từ rau, củ, quả...; góp phần giảm tải gánh nặng rác thải cho xã hội.

Mục tiêu của HTX Trùn quế Đơn Dương là phấn đấu trong năm đầu tiên thành lập tiếp cận được khoảng 1% diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện Đơn Dương, với tổng diện tích 23.000 ha sử dụng phân trùn để cải tạo đất và phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp sạch. Mô hình sẽ cung cấp thịt trùn quế tươi cho các cơ sở nuôi cá tầm tại Đà Lạt với sản lượng theo nhu cầu khoảng 30 tấn thịt trùn quế/mùa/năm. Ngoài ra, mô hình của HTX cũng sẽ tham gia xử lý được khoảng 30% chất thải nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.

Bên cạnh đó, phân từ trùn quế sẽ sử dụng để trồng rau sạch và thịt trùn quế sẽ được sử dụng làm thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao cho gà, vịt, bò, heo, bồ câu, cá... “Sinh khối trùn quế được ví như một nhà máy rác tự nhiên, khả năng tiêu thụ, phân giải rác hữu cơ và chất thải chăn nuôi lớn, trung bình 1 tấn trùn quế trong 3 tháng có thể xử lý được 70-80 tấn rác nông nghiệp hữu cơ hoặc 50 tấn chất thải gia súc, gia cầm”, chị Tuyền cho biết thêm.

Sản phẩm của mô hình đóng góp tích cực về việc cải thiện và bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa các nguồn rác hữu cơ và phân chuồng chưa qua xử lý tại địa phương. Phân trùn quế còn góp phần làm giảm mức độ sử dụng phân hóa học, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, nhờ đó bảo vệ được môi trường. Với những khu vực ô nhiễm, nếu nuôi trùn quế cũng có thể làm sạch được môi trường nước.

Ông Võ Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết, HTX Trùn quế Đơn Dương được thành lập đã và đang mang lại hiệu quả về nhiều mặt, tận dụng các phế phẩm sản xuất từ nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi để tạo ra sản phẩm phân trùn quế và thịt trùn quế nhằm phục vụ cho kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Mô hình cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Với tiềm năng và ưu thế về vùng nguyên liệu chuyên canh cây nông nghiệp hiện có tại địa phương, mô hình cho thấy những triển vọng tốt để phát triển.

HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang