• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác chăn nuôi rắn

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 05/09/2019
Ngày cập nhật: 6/9/2019

Mô hình chăn nuôi rắn của gia đình anh Bạch Thanh Tùng, ở xã Động Đạt, là địa điểm được nhiều thành viên trong THT và người dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm.

Nhận thấy trên địa bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) nói chung và xã Động Đạt nói riêng có nhiều gia đình chăn nuôi rắn phát triển tốt, tháng 7-2018, được sự cho phép của chính quyền xã, Hội Nông dân xã Động Đạt đã kêu gọi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi rắn thành lập tổ hợp tác (THT) để hướng tới sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết. Sau 1 năm, quy mô chăn nuôi của các thành viên THT ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Với mong muốn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, bên cạnh công việc chính là thợ nhôm kính, tháng 4-2018, anh Nguyễn Đức Cương (xóm Đuổm, xã Động Đạt) đã mạnh dạn chăn nuôi rắn. Anh Cương cho biết: Tôi đã đầu tư khoảng 80 triệu đồng để xây dựng chuồng, mua 60 con rắn hổ mang giống và các dụng cụ chăn nuôi. Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, chẩn đoán bệnh của rắn, tìm đầu ra cho sản phẩm… Từ khi tham gia THT chăn nuôi rắn, tôi thường xuyên được trao đổi với những người có kinh nghiệm. Nhờ đó, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật để chăm sóc đàn rắn phát triển tốt. Sau hơn 1 năm tham gia THT, tôi đã xuất bán được 2 đợt trứng rắn với hơn 1000 quả, giá bán dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/quả (tuỳ thuộc vào thị trường), lợi nhuận thu được đạt trên 50 triệu đồng. Với kết quả ban đầu như vậy, tôi vừa mạnh dạn mở rộng chuồng lên quy mô 200 con với diện tích 60m2 (gấp 2 lần diện tích ban đầu).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, THT chăn nuôi rắn xã Động Đạt có 13 thành viên. Anh Bạch Đình Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt, Tổ trưởng THT chăn nuôi rắn cho biết: Thời gian đầu, các hộ chăn nuôi rắn còn ngần ngại tham gia THT vì lo lắng quy trình hoạt động phức tạp. Sau quá trình tuyên truyền về lợi ích của mô hình THT, chúng tôi đã kêu gọi được 13 hộ chăn nuôi tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Các thành viên trong Tổ sẽ được hỗ trợ pháp lý; giúp đỡ về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; định hướng thị trường, giá cả đối với từng loại sản phẩm để thu được lợi nhuận cao nhất; thăm hỏi và động viên khi bị tai nạn lao động…

Hằng quý, THT sẽ tiến hành sinh hoạt một lần để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ chăn nuôi. Trong buổi họp, mỗi thành viên sẽ báo cáo kết quả chăm sóc, số lượng tăng giảm đàn rắn, thống kê số lượng mua bán các sản phẩm về rắn; đánh giá công tác quản lý trong quý trước; thảo luận để định hướng về công tác chăm sóc, tình hình giá cả, thị trường trong thời gian tới… Ngoài ra, THT cũng liên kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên có nhu cầu. Nhờ vậy, thành viên không chỉ có điều kiện để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn kịp thời nắm bắt được thông tin thị trường để có hướng chăn nuôi phù hợp.

Anh Bạch Thanh Tùng, xóm Làng Mạ, xã Động Đạt - là một trong những hộ chăn nuôi rắn đầu tiên và lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Lương chia sẻ: Hiện nay, tôi đang nuôi gần 2000 con rắn hổ mang. Hằng năm, gia đình thu được 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (tùy từng năm) từ việc bán các sản phẩm về rắn. Từ khi tham gia THT, tôi đã liên kết với các thành viên còn lại để hỗ trợ thu mua và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, tôi còn tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên khác hoặc những người có nhu cầu về cách xây dựng chuồng, chăm sóc rắn…

Ngoài hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, THT còn thành lập Quỹ tiết kiệm để tạo nguồn lực giúp đỡ những thành viên có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi. Hằng năm, mỗi thành viên đóng góp 500 nghìn đồng, hộ chăn nuôi nào bán sản phẩm thu được lợi nhuận cao thì có thể đóng nhiều hơn. Đến nay, tổng quỹ của Tổ khoảng 10 triệu đồng và đã cho một thành viên vay với lãi suất 1%/tháng.

Với việc tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đến nay, quy mô chăn nuôi của các thành viên ngày càng phát triển. Hiện, tổng số rắn của 13 hộ là trên 5.000 con (tăng hơn 1.100 con so với lúc mới thành lập THT), chủ yếu là rắn hổ mang. Các sản phẩm bán ra thị trường khá đa dạng, gồm: Rắn thương phẩm, cao rắn, trứng rắn, rượu rắn, các dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi rắn… Thu nhập trung bình một năm của các hộ chăn nuôi dao động từ 130 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (phụ thuộc vào quy mô chuồng trại).

Phan Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang