• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhạy bén chuyển đổi vật nuôi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 16/09/2019
Ngày cập nhật: 19/9/2019

Một số hộ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi đã chuyển sang nuôi các loài vật khác nhằm tạo thu nhập phát triển kinh tế.

Anh Hiệp tận dụng chuồng heo thả nuôi 10.000 con lươn.

Từ tháng 4 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại trên 50.000 con heo, chiếm khoảng 1/3 tổng đàn heo toàn tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh, nhu cầu kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, cần phải chi hỗ trợ cho người chăn nuôi gần 90 tỉ đồng, chi phí xử lý ổ dịch bệnh trên 14 tỉ đồng. Tính đến đầu tháng 9, 456 hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả châu Phi đã nhận được tiền hỗ trợ, tổng số tiền chi cho công tác này trên 23 tỉ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã chuyển đổi chăn nuôi nhằm tạo nguồn thu trong thời gian chờ hết dịch tả heo châu Phi.

Hơn một tháng nay, anh Phạm Hữu Cường, ở ấp Thạnh Mỹ B, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã tận dụng chuồng heo trống để thử nuôi 300 con vịt Hà Lan. Dù chăn nuôi loài mới, nhưng anh Cường không thả nuôi theo cách truyền thống sơ sài mà làm sàn lưới cách xa mặt đất để vật nuôi có môi trường sống thông thoáng. Anh còn đặt máng ăn, làm ống nước tự động trong chuồng. Với các khoản đầu tư trên, anh Cường chỉ tốn chừng 5 triệu đồng chi phí cải tạo chuồng trại.

Anh Cường tính toán: “Cách làm này vừa tiện, lại ít tốn công chăm sóc vịt, đảm bảo an toàn, hạn chế mầm bệnh phát sinh, nhất là trong mùa mưa ẩm ướt. Dù mới chuyển sang nuôi gia cầm, nhưng tôi luôn chú ý vấn đề phòng bệnh. Đàn vịt sẽ được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tôi chuyển đổi chăn nuôi còn có ngụ ý khác là thay đổi môi trường chuồng trại sau khi phát hiện dịch tả heo châu Phi để sau này hạn chế bớt rủi ro khi tái đàn heo trở lại. Nếu thành công, sau này tôi áp dụng cả 2 mô hình, vừa nuôi vịt vừa chăn nuôi heo, tất nhiên là khi tái đàn phải được ngành chức năng cho phép”.

Các hộ chuyển đổi cho rằng ngành chức năng cần phát huy tốt vai trò liên kết, tạo đầu ra ổn định cho nông dân khi chuyển đổi sau dịch tả. Đặc biệt là giúp bà con tiếp cận được với các chính sách vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật giữa doanh nghiệp với người dân sẽ giúp người chăn nuôi có thêm kiến thức trong giai đoạn này. Bước đầu chuyển đổi rất cần sự hỗ trợ về con giống để bà con an tâm tái sản xuất.

Một số hộ có điều kiện kinh tế tương đối đã linh động chuyển đổi một cách nhạy bén, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để mang về hiệu quả kinh tế. Anh Hồ Quốc Hiệp, ở ấp Nhất, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, có trên 100 con heo bị tiêu hủy cách nay khoảng 2 tháng. Không chùn bước trước dịch bệnh, anh Hiệp tận dụng chuồng heo thả nuôi 10.000 con lươn, 100 con vịt xiêm Pháp và nuôi thêm trùn quế để vừa cung cấp cho thị trường vừa làm nguồn thức ăn cho lươn. Quy trình chăn nuôi lươn được áp dụng theo hướng dẫn của Công ty TNHH MTV dinh dưỡng và thuốc thú y Sanvet được anh áp dụng theo hướng an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Chuồng heo được thiết kế lại, ốp gạch men sạch sẽ, có hệ thống xử lý nước riêng, lắng lọc bằng men vi sinh để đảm bảo môi trường sống an toàn nhất cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh. Hiện được công ty cam kết đầu ra ổn định.

Anh Hiệp chia sẻ: “Diện tích nuôi lươn hiện chỉ 24m2, dự kiến sau này tôi sẽ mở rộng khoảng 300m2. Dự kiến khoảng giữa tháng 10, tôi sẽ thả nuôi 1.500 con vịt xiêm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tôi đang hướng đến chăn nuôi lươn theo hướng VietGAP và đưa sản phẩm đi xa hơn đến các thị trường lớn. Hy vọng Nhà nước sẽ sớm có những chính sách hỗ trợ đến người dân, đặc biệt là tạo cầu nối để giúp người chăn nuôi vay vốn tái sản xuất với lãi suất ưu đãi”.

Ngành nông nghiệp đã có định hướng người dân tận dụng chuồng heo sẵn có để chuyển sang nuôi các đối tượng vật nuôi khác, góp phần duy trì phát triển sản xuất và mang lại thu nhập cho bà con trong thời gian dịch tả heo châu Phi hoành hành. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số đối tượng được khuyến cáo nuôi là gà, vịt trên đệm lót sinh học; nuôi lươn thương phẩm và các đối tượng thủy hải sản khác. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, xu hướng chuyển đổi chăn nuôi tận dụng chuồng heo để nuôi lươn, gà, vịt giúp bù đắp một lượng sản phẩm chăn nuôi đáng kể để phục vụ nhu cầu xã hội.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Đối với những hộ nuôi mới gia cầm, ngành đã cho lực lượng thú y địa phương rà soát, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn cách phòng bệnh, tiêm phòng đúng lịch, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật phòng bệnh, vệ sinh môi trường chuồng trại... Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, những hộ nuôi heo lâu năm thường có xu hướng sẽ tái đàn sau khi hết dịch. Hiện giá heo hơi có chiều hướng tăng do sự chuyển dịch từ Nam ra Bắc, từ đó sẽ dẫn đến việc tái đàn không thông báo, đây là một nguy cơ khá lớn. Ngành chức năng khuyến cáo người dân chưa tái đàn khi chưa hết dịch tả heo châu Phi, khi tái đàn heo phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang