Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 24/09/2019
Ngày cập nhật:
26/9/2019
Hiện nay, ngành hàng sữa Việt Nam đã xuất khẩu đến 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đang đứng thứ 4 châu Á về năng suất đàn bò sữa - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Ngày 24/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn tầm nhìn và đối thoại PPP ngành hàng chăn nuôi tại Hà Nội.
Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%.
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa sang hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, mặt hàng sữa bột chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm, đạt 72,09 triệu USD, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ NN&PTNT những năm qua, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.
Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả.
Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 149,18 triệu USD, tăng 24,09% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.
Ông Phạm Văn Duy nhận định, thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam. Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai.
Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất.
“Trung Quốc là thị trường khó tính, quy định kiểm soát có thay đổi thường xuyên. Để thúc đẩy xuất khẩu sữa sang Trung Quốc cần nắm đầy đủ và thực hiện đúng nội dung quy định trong Nghị định thư. Với các thị trường khác như Indonesia, Malayssia, Philippines…, cần chú ý tập quán tiêu dùng về sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường” ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, bên cạnh vấn đề nghiên cứu, hiểu được thị trường xuất khẩu, khâu sản xuất cần áp dụng quy trình sản xuất chế biến gắn với công nghệ cao nhằm hạ giá thành, đảm bảo sự ổn định; đồng thời đẩy mạnh công tác quản bá thương hiệu cho sản phẩm…
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): Để thúc đẩy xuất khẩu sữa, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối; tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sữa và sản phẩm sữa Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn hữu cơ./.
Đỗ Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.