Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 07/10/2019
Ngày cập nhật:
8/10/2019
Xác định rõ những khó khăn cũng như lợi thế của một huyện miền núi, thuần nông, với định hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Gia đình ông Đào Tiến Phong ở thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu (Sông Lô) nuôi rắn hổ mang cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng/năm
Theo thống kê, huyện Sông Lô hiện có hơn 11.100 ha đất nông nghiệp; trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 7.000 ha, đất trồng lúa hơn 3.600 ha, đất rừng phòng hộ hơn 1.000 ha, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 150 ha.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, ngành chăn nuôi của huyện đã có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Những năm 2016 - 2017 huyện gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân có đàn lợn quy mô trung bình trở lên phải nuôi cầm chừng, thậm chí phải phá chuồng để chuyển hướng đầu tư chăn nuôi con khác do giá thịt lợn sụt giảm.
Đến cuối năm 2017, một số xã đã vực dậy ngành chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn duy trì nhiều mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô lớn ở các xã: Nhân Đạo, Đồng Quế, Lãng Công, Hải Lựu...
Bên cạnh đó, một số xã trên địa bàn huyện đang triển khai mô hình trình diễn và nuôi thử nghiệm gà theo hướng an toàn sinh học bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các xã: Đồng Thịnh, Lãng Công, Đồng Quế với quy mô trung bình từ 2.000 - 3.000 con/hộ.
Đặc biệt, phải kể đến mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở các xã: Hải Lựu, Bạch Lưu, Cao Phong, Đồng Thịnh, Quang Yên. Hai xã Bạch Lưu và Hải Lựu tuy mới phát triển và nhân rộng mô hình này, song đã có những gia đình mạnh dạn đầu tư, nuôi tới 80 con bò khung để vỗ béo, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi rắn thương phẩm, rắn sinh sản ở xã Bạch Lưu cũng được đánh giá là mô hình mang lại thu nhập cao cho người dân. Năm 2011, toàn xã có khoảng 90 hộ nuôi rắn, đến nay đã tăng lên hơn 200 hộ. Các hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, nâng cao kỹ thuật chăm sóc và ấp nở trứng rắn để chủ động nguồn con giống, cho thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng/năm trở lên.
Chú trọng đầu tư cho các địa phương có địa thế trũng, có thể phát huy thế mạnh sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Chi cục Thủy sản triển khai, nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp quy mô trên 14 ha tại các xã: Đôn Nhân, Hải Lựu, Nhạo Sơn, Tân Lập, Lãng Công... góp phần nâng cao hiệu quả và quy mô của ngành chăn nuôi thủy sản của huyện với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 900 ha, sản lượng khai thác bình quân mỗi năm đạt từ 1.400 - 1.500 tấn.
Cùng với đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi, UBND huyện Sông Lô tăng cường thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt, tạo động lực để người dân đẩy mạnh sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai và duy trì một số mô hình trồng cây ăn quả quy mô tập trung cho hiệu quả kinh tế ổn định, như: Mô hình trồng ổi ở xã Đôn Nhân với diện tích 7 ha, cho thu lãi bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng, thâm canh bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc với diện tích 25 ha, tập trung tại các xã Quang Yên, Lãng Công, Đồng Quế, Đồng Thịnh, Cao Phong, Thị trấn Tam Sơn cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng na dai tại hai xã Đồng Quế, Đồng Thịnh trên quy mô diện tích 5 ha...
Phát triển sản xuất nông nghiệp ở một huyện miền núi nghèo, trong điều kiện đất đai vẫn còn nhiều hạn chế thực sự là vấn đề rất khó đối với Sông Lô. Tuy nhiên, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế cho thấy sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây.
Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đời sống, nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%.
Bài, ảnh Việt Sơn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.