Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Hòa Bình, 01/10/2019
Ngày cập nhật:
8/10/2019
Mô hình phát triển thường hiệu gà Lạc Thủy cho hiệu quả kinh tế cao
Nhằm duy trì, tạo nguồn gen gà quý và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà đồi Lạc Thủy, huyện Lạc Thuỷ (tỉnh Hòa Bình) đã phối hợp nhân rộng mô hình nuôi gà bản địa với sự hỗ trợ của Viện chăn nuôi, Chi cục Thú y và các doanh nghiệp sản xuất con giống trên địa bàn. Từ đó góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà.
Là giống gà địa phương được bà con nông dân huyện Lạc Thủy nuôi từ lâu, khi trưởng thành gà Lạc Thủy có ngoại hình gần giống với gà Mía (Sơn Tây), nhưng qua khảo sát đánh giá của các chuyên gia Viện Chăn nuôi, giống gà Lạc Thủy có một số điểm khác biệt và ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Giống gà này là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Bộ lông mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong các dịp lễ, tết. Lông mọc sớm nên có sức đề kháng khá tốt với thời tiết, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm. Gà con có bộ lông đồng nhất màu trắng ngà, tốc độ mọc lông “siêu nhanh”, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà Lạc Thủy mà không giống gà nào khác có được. Khi trưởng thành, con mái có lông màu lá chuối khô nhạt, hơi giống với gà mía, trọng lượng khoảng 1,5kg; con trống có bộ lông màu mận chín, trọng lượng khoảng 2kg, chân nhỏ, da chân vàng, da thịt vàng, khá dễ nuôi và dễ tiêu thụ. Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỉ lệ nuôi sống khoảng 90- 93%. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.
So với những vật nuôi khác thì gà bản địa của Lạc Thủy có nhiều ưu điểm nổi trội đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, mở ra hướng phát triển đầy hứa hẹn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã chuyển đổi diện tích vườn, đồi sang làm trang trại để nuôi gà. Mô hình này được nhân rộng ở khắp các thôn, xóm; nhiều hộ tập trung chăn nuôi gà với quy mô lớn, lên tới hàng nghìn, hàng vạn con mỗi năm. Hiện tại, trên địa bàn huyện có quy mô gần 1,0 triệu con với 235 trang trại, gia trại nuôi gà theo sản xuất an toàn. Phát triển chăn nuôi gà Lạc Thuỷ đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, điển hình như gia đình anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm, gia đình anh Cao Văn Dân, Nguyễn Hồng Minh (xã Phú Thành), gia đình ông Trần Minh Quyến ở thôn Phú Thắng, xã Phú Thành. Hàng năm các gia đình duy trì nuôi 1.000 con gà mái đẻ, gà được nuôi nhốt kết hợp chăn thả giúp tận dụng diện tích đất vườn hiện có.
Có thể nói, thành công lớn nhất của những hộ nông dân nuôi gà Lạc Thủy chính là sự ủng hộ, tin dùng của người tiêu dùng trên khắp mọi miền đối với sản phẩm của mình, không chỉ ở giá thành hợp lý, mà chính là chất lượng sản phẩm. Gà Lạc Thuỷ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp Bằng bảo hộ chứng nhận tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT ngày 19/3/2019. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy trên thị trường mà còn mở ra nhiều cơ hội để đưa giống gà Lạc Thủy quê hương đến với đông đảo hộ gia đình chăn nuôi, giúp người nuôi gà gia tăng lợi nhuận về kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhờ vào nguồn gà giống mang gen bản địa chất lượng.
Để bảo tồn nguồn gen và phát triển giống gà quý hiếm của địa phương theo hướng chăn nuôi bền vững, huyện Lạc Thủy đang thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế; trích nguồn kinh phí ngân sách huyện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thủy; tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như quy mô đàn để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, đưa sản phẩm gà Lạc Thủy đến với mọi miền của đất nước./.
Lê Huệ (CTTĐT)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.